A. Điều kiện, thủ tục thành lập trường dạy nghề.
1. Điều kiện thành lập:
Trường dạy nghề được phép thành lập khi có đề án bao gồm đủ các điều kiện sau:
a- Phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b- Có quy mô đào tạo tối thiểu: 300 học sinh;
c- Có số phòng học lý thuyết, thực hành phù hợp với quy mô đào tạo (tối đa 35 học sinh/lớp; 4-6 m2 diện tích nơi thực hành/1 học sinh);
Có đủ máy, thiết bị, phương tiện bảo đảm giảng dạy lý thuyết, có đủ công cụ và nguyên, vật liệu để người học thực hành, phù hợp với nghề dạy; bảo đảm các điều kiện về an toàn và vệ sinh lao động.
d- Đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng giáo viên:
Về số lượng: Giáo viên dạy lý thuyết tối đa 1 giáo viên/35 học sinh; dạy thực hành tối đa 1 giáo viên/18 học sinh;
Về chất lượng: Giáo viên dạy nghề đạt trình độ chuẩn theo quy định của pháp luật;
đ- Có chương trình dạy nghề theo đúng nguyên tắc xây dựng chương trình do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định; có giáo trình phù hợp với mục tiêu, nội dung dạy nghề;
e- Có nguồn tài chính đảm bảo hoạt động dạy nghề.
2. Thủ tục thành lập:
a- Hồ sơ thành lập trường:
Đối với trường dạy nghề công lập, bán công có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 1, 2 Điều 15 Nghị định02/2001/NĐ-CP ngày 9/1/2001 của Chính phủ; đối với trường dạy nghề dân lập, tư thục có đơn đề nghị thành lập theo mẫu;
Đề án thành lập trường, kèm theo dự thảo Điều lệ hoặc Quy chế hoạt động của trường;
Sơ yếu lý lịch của người dự kiến sẽ làm Hiệu trưởng của trường (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền);
Đối với việc thành lập trường dạy nghề dân lập, tư thục có văn bản xác nhận của cơ quan tài chính có thẩm quyền về khả năng tài chính của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trường.
b- Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ:
Ở Trung ương: Cơ quan quản lý dạy nghề của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng quản trị Tổng Công ty 91, của tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội tiếp nhận và thẩm định hồ sơ thành lập trường dạy nghề trực thuộc.
Ở cấp tỉnh: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận và thẩm định hồ sơ thành lập trường dạy nghề thuộc phạm vi tỉnh quản lý.
Nội dung thẩm định:
Mức độ phù hợp của việc mở trường với quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề;
Mục tiêu và quy mô đào tạo dự kiến;
Tài chính (vốn, giá trị tài sản) của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trường;
Sự phù hợp cơ sở vật chất-kỹ thuật đã nêu trong đề án với mục tiêu và quy mô dự kiến đào tạo;
Hồ sơ sử dụng đất, nhà (giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu đất, nhà);
Đội ngũ giáo viên dạy nghề dự kiến và kế hoạch tuyển dụng giáo viên;
Chương trình, giáo trình giảng dạy.
Trách nhiệm của cơ quan thẩm định:
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, (kể từ ngày nhận hồ sơ), cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân xin thành lập trường. Thông báo phải nêu rõ nội dung cần sửa đổi và cách thức sửa đổi.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thẩm định phải trình kết quả thẩm định đến cơ quan có thẩm quyền quyết định.
c- Quyết định thành lập trường: Thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 15, Nghị định số02/2001/NĐ-CP ngày 9/1/2001 của Chính phủ.
Hồ sơ đề nghị thành lập trường được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định chấp thuận và có văn bản đề nghị thành lập trường về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (kèm theo hồ sơ). Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản thoả thuận hoặc từ chối việc thành lập trường.
Đối với việc thành lập trường thuộc Tổng Công ty 91, Chủ tịch Hội đồng quản trị trước khi ra quyết định thành lập có văn bản thoả thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
B. Điều kiện, thủ tục thành lập trung tâm dạy nghề
1. Điều kiện thành lập:
Trung tâm dạy nghề được phép thành lập khi có đề án bảo đảm các điều kiện sau:
a - Phù hợp với quy hoạch mạng lưới trung tâm dạy nghề;
b - Quy mô đào tạo tối thiểu: 150 học sinh;
c - Có đủ phòng học lý thuyết, cơ sở thực hành, phù hợp với quy mô đào tạo (tối đa 35 học sinh /lớp; 4-6 m2 diện tích thực hành/học sinh); thiết bị, phương tiện bảo đảm giảng dạy lý thuyết, thực hành đạt trình độ nghề theo mục tiêu đào tạo; đảm bảo các điều kiện về an toàn và vệ sinh lao động; có đủ công cụ và nguyên vật liệu để người học thực hành;
d- Dự kiến đội ngũ giáo viên dạy nghề và kế hoạch tuyển dụng:
Về số lượng: Giáo viên dạy lý thuyết tối đa 1 giáo viên/35 học sinh; dạy thực hành tối đa 1 giáo viên/18 học sinh;
Về chất lượng: đạt trình độ chuẩn theo quy định của pháp luật.
2. Thủ tục thành lập:
a. Hồ sơ thành lập trung tâm dạy nghề bao gồm:
Đối với trung tâm dạy nghề công lập, bán công, có văn bản đề nghị thành lập trung tâm; đối với trung tâm dạy nghề dân lập, tư thục có đơn đề nghị thành lập trung tâm dạy nghề làm theo mẫu;
Đề án thành lập trung tâm dạy nghề;
Sơ yếu lý lịch của người dự kiến sẽ làm Giám đốc trung tâm dạy nghề (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền).
Đối với việc thành lập trung tâm dạy nghề dân lập, tư thục: có văn bản xác nhận của cơ quan tài chính có thẩm quyền về khả năng tài chính của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trung tâm dạy nghề.
b. Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ
Ở Trung ương: Cơ quan quản lý dạy nghề thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đối với trung tâm dạy nghề trực thuộc và trung tâm dạy nghề của các trường Cao đẳng, Đại học, Viện nghiên cứu và đơn vị khác thuộc Bộ, ngành quản lý;
Ở cấp tỉnh: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đối với trung tâm dạy nghề thuộc các Sở, Ban, Ngành, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội cấp tỉnh.
Ở cấp huyện: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đối với trung tâm dạy nghề thuộc cấp huyện quản lý.
c. Quyết định thành lập trung tâm dạy nghề:
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định thành lập trung tâm dạy nghề trực thuộc và trung tâm dạy nghề của các Trường Cao đẳng, Đại học, Viện nghiên cứu, đơn vị thuộc Bộ, ngành quản lý;
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập trung tâm dạy nghề công lập, bán công thuộc cấp Tỉnh quản lý; cho phép thành lập trung tâm dạy nghề dân lập.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã quyết định thành lập trung tâm dạy nghề công lập, bán công thuộc cấp huyện quản lý; cho phép thành lập trung tâm dạy nghề dân lập, tư thục sau khi có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trong thời hạn 9 tháng, kể từ ngày có quyết định thành lập, cơ sở dạy nghề phải đăng ký hoạt động dạy nghề tại cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội và chỉ được tuyển sinh sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề.