Hợp đồng là căn cứ cơ bản xác lập các giao dịch về dân sự trong đời sống hàng ngày. Rất nhiều người nhầm lẫn rằng đơn phương chấm dứt hợp và hủy bỏ hợp đồng là giống nhau. Nhưng thực tế đây là hai phương thức hoàn toàn khác nhau, hậu quả pháp lý đối với từng trường hợp cũng sẽ khác nhau. Trong trường hợp của bạn, cần phân biệt rõ việc hủy hợp đồng và việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Hợp đồng bị chấm dứt khi:
Hợp đồng đã được hoàn thành;
Theo thỏa thuận của các bên;
Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn;
Hợp đồng chấm dứt do hoàn cảnh thay đổi cơ bản, các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý và được Tòa án tuyên bố Chấm dứt hợp đồng;
Một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng;
Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Hợp đồng bị hủy bỏ khi:
Có ít nhất một bên vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;
Có ít nhất một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;
Hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ;
Hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện;
Hủy bỏ hợp đồng do tài sản bị mất, bị hư hỏng;
Các trường hợp do luật quy định.
Từ các trường hợp Chấm dứt hợp đồng và Hủy bỏ hợp đồng do pháp luật quy định như trên, có thể thấy Hủy bỏ hợp đồng cũng là một căn cứ để Chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, các trường hợp Chấm dứt hợp đồng được mở rộng hơn so với Hủy bỏ hợp đồng. Cụ thể, các bên có thể Chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận hoặc hợp đồng cũng có thể tự động chấm dứt khi các bên đã hoàn thành nghĩa vụ với nhau mà không cần bất kỳ sự vi phạm hay thiệt hại cụ thể nào. Trong khi đó, việc Hủy bỏ hợp đồng trong hầu hết trường hợp là xuất phát từ các vi phạm của các bên đối với hợp đồng. Cụ thể, các bên có thể hủy bỏ hợp đồng khi một bên vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận, vi phạm nghĩa trọng nghĩa vụ hợp đồng, chậm thực hiện nghĩa vụ, không có khả năng thực hiện, làm mất, làm hư hỏng tài sản là đối tượng của hợp đồng thì bên còn lại được quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Một điểm đáng lưu ý là mặc cho pháp luật tôn trọng quyền tự do thỏa thuận, xác lập, định đoạt giao dịch dân sự giữa các bên, kể cả trong trường hợp Chấm dứt hợp đồng hay Hủy bỏ hợp đồng. Tuy nhiên, trong khi hợp đồng có thể được chấm dứt tại bất kỳ thời điểm nào do các bên thỏa thuận thì việc Hủy bỏ hợp đồng theo thỏa thuận của các bên chỉ được diễn ra khi các bên đã có thỏa thuận về điều kiện Hủy bỏ hợp đồng trước đó. Tức là, khi có một hành vi vi phạm diễn ra, các bên có thể thỏa thuận Chấm dứt hợp đồng ngay lập tức nhưng không thể thỏa thuận Hủy bỏ hợp đồng nếu hành vi vi phạm đó không được các bên thỏa thuận trước đó là một điều kiện để Hủy bỏ hợp đồng.
Qua đó, có thể thấy điều kiện áp dụng Chấm dứt hợp đồng và Hủy bỏ hợp đồng là hoàn toàn khác nhau. Điều này cũng có thể được lý giải bởi sự khác nhau trong hệ quả pháp lý của việc Chấm dứt hợp đồng và Hủy bỏ hợp đồng. Trong khi hậu quả của Chấm dứt hợp đồng có phần đa dạng và linh hoạt hơn, thì Hủy bỏ hợp đồng lại có hệ quả gần như tưởng tự với Vô hiệu hợp đồng.
Phân biệt hệ quả của Chấm dứt hợp đồng và Hủy bỏ hợp đồng
Hệ quả của Chấm dứt hợp đồng: Do các điều kiện áp dụng Chấm dứt hợp đồng được mở rộng hơn so với Hủy bỏ hợp đồng, hệ quả để lại của Chấm dứt hợp đồng cũng theo đó trở nên rất đa dạng. Cụ thể, các bên không phải tiếp thực tục thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng khi Chấm dứt hợp đồng, nhưng việc Chấm dứt hợp đồng có thể có hoặc không đi kèm với bất kỳ một hậu quả cụ thể nào, như bồi thường thiệt hại, các khoản phạt, hoặc các hậu quả khác do các bên thỏa thuận. Hệ quả của Hủy bỏ hợp đồng: Căn cứ theo quy định tại điều 427 Bộ luật Dân sự 2015, khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và giải quyết tranh chấp. Từ quy định trên có thể thấy việc hủy bỏ hợp đồng đã hủy bỏ toàn bộ hợp đồng và không công nhận hiệu lực của hợp đồng. Do đó, quyền và nghĩa vụ của các bên được đưa về như trước khi ký hợp đồng và các bên vẫn phải bồi thường và bị phạt hợp đồng như đã thỏa thuận. Ngoài ra, các bên còn phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản.
Luật sư: Vũ Văn Toàn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; Điện thoại: 0978 99 4377
Website: https://myskincare.vn ; https://tplgiabinh.blogspot.com ; Email: luatsuvutoan@gmail.com.