Chào bạn,
Thắc mắc của bạn, tôi giải đáp như sau:
Theo quy định tại khoản 2, Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 thì: Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động. Trong đó có nội dung tiền lương trong thời gian thử việc.
“Điều 24. Thử việc
2. Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này”.
“Điều 21. Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;”.
Theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 thì: “Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó”.
Theo khoản 1, Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 thì: “Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác”.
Căn cứ các quy định nêu trên và theo hướng dẫn tại khoản 5, Điều 3 Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH thì: phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác phải được ghi trong hợp đồng thử việc. Riêng đối với các chế độ phúc lợi khác như: tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết,… thì phải ghi thành mục riêng trong hợp đồng thử việc.
Như vậy, nếu hợp đồng thử việc chỉ ghi mức lương cơ bản nhưng thực tế hàng tháng bạn vẫn nhận phụ cấp hoặc các khoản bổ sung khác thì nội dung hợp đồng thử việc không đúng theo quy định của pháp luật nêu trên.
Mến chào.
Luật sư Đoàn Khắc Độ, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đức
Điện thoại: 0903 168 986
Email: do@luatdaiduc.vn
Website: www.luatdaiduc.vn