Chào mọi người,
Nếu để đáp ứng yêu cầu học thuật của pháp lý, thì chắc chắn chẳng thể có từ ngữ nào đang được sử dụng trong dân chúng phản ảnh được nội dung, hàm ý của hai từ "tếu tếu" là vật quyền và trái quyền. Vì thế yêu cầu các nhà làm luật "bình dân hóa" các thuật ngữ nêu trên là bất khả thi. Nhà làm luật chỉ có thể giải thích các thuật ngữ này trong luật.
Trong xã hội thì ngoài con người thì chỉ còn có tài sản (ngoài ra không còn gì khác
). Quan hệ giữa con người với con người phát sinh ra trái quyền. Quan hệ giữa người với tài sản thì phát sinh ra vật quyền (cái này trước giờ luật dân sự VN không đề cập đến mà hiểu ngầm đó là trái quyền giữa chủ tài sản với các chủ thể khác còn lại có liên quan trong xã hội, một bên có quyền và một bên có nghĩa vụ).
Ví dụ A làm mất tài sản, B nhặt được thì việc đòi lại tài sản được dựa trên quy định quyền đòi lại tài sản bị chiếm hữu không có căn cứ pháp luật của B, B có nghĩa vụ phải trả lại tài sản đó (tức trái quyền) nhưng nếu áp dụng vật quyền thì đó là quyền truy đòi tài sản thuộc sở hữu hợp pháp bất kể tài sản đó đang nằm trong tay ai. Thoạt nhìn thì thấy chẳng có gì khác nhau nhưng nếu xét trường hợp tài sản trên đã được chuyển dịch đến Z qua hàng loạt giao dịch hợp pháp thì việc áp dụng vật quyền sẽ giúp chủ sở hữu đơn giản hơn rất nhiều trong việc đòi lại tài sản của mình do không phải chứng minh là đã có giao dịch bất hợp pháp (đôi khi là không thể) mà chỉ cần chứng minh mình có quyền truy đòi tài sản hợp pháp (vật quyền).
Hay một ví dụ khác điển hình cho sự khác biệt giữa vật quyền và trái quyền đó là quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề quy định tại Điều 173 BLDS, nếu xét đó trái quyền (một bên có quyền và một bên có nghĩa vụ) vậy khi bất động sản được chuyển giao thì về mặt nguyên tắc chung phải có sự đồng ý của bên có quyền do nghĩa vụ đã được chuyển giao cho một bên thứ ba nhưng như thế là vô lý. Vì vậy nếu xem đó là vật quyền thì phù hợp logic hơn, vật quyền tồn tại một cách khách quan bất kể quan hệ giữa người chủ sở hữu bất động sản và người sử dụng bất động sản liền kề có biến đổi thế nào.
Tóm lại khi chấp nhận lý thuyết vật quyền tức pháp luật VN đã chấp nhận mở ra cánh cửa cho các giao dịch về tài sản được dễ dàng, thuận tiện hơn và bảo vệ chủ sở hữu tài sản tốt hơn. Do đó một chút khó khăn, chắc chắn sẽ gặp phải, trong việc đưa ra thuật ngữ mới là có thể chấp nhận được.
Thân.
Luật được sinh ra để phục vụ con người chứ không phải để cai trị.