Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành công văn1447/BHXH-CSXH hướng dẫn thực hiện chế độ thai sản theo quy định của Bộ luật Lao động 2012.
Công văn có đề cập đến việc nghỉ sinh con trước ngày Bộ luật Lao động 2012 có hiệu lực.
Theo đó, trường hợp nghỉ sinh con trước ngày 1/5/2013 nhưng đến ngày 1/5/2013 vẫn còn trong thời gian nghỉ sinh con thì thời gian hưởng chế độ thai sản là 6 tháng. Nội dung này hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động 2012.
Tuy nhiên, nó lại không phù hợp với thực tiễn và thể hiện sự bất công bằng đối với một số đối tượng nghỉ sinh con trong giai đoạn giao thời (giữa Bộ luật Lao động cũ và mới) này.
Bởi lẽ, Chị N nghỉ việc trước khi sinh con từ ngày 2/1/2013 đến ngày 15/1/2013 sinh con, như vậy thời gian hưởng chế độ thai sản của N là 6 tháng. Còn chị M theo kết quả dự sinh của Bác sĩ thì ngày 15/1/2013 sẽ sinh, nhưng vì thể trạng sức khỏe không tốt nên M nghỉ việc trước khi sinh con từ 29/12/2012, như vậy thời gian hưởng chế độ thai sản của M là 4 tháng.
Đáng lẽ ra một người phụ nữ với thể trạng yếu như M phải được hưởng thời gian nghỉ thai sản bằng hoặc thậm chí hơn N (vì thời điểm sinh con như nhau) nhằm bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Nhưng ở đây pháp luật chỉ cho phép M được hưởng chế độ nghỉ thai sản 4 tháng.
Mô hình chung chính sách này đã “giúp người khỏe, bẻ người yếu”, tạo ra sự bất công trong chế độ nghỉ thai sản.