Trong hai tháng đầu năm 2013 mặc dù số vụ tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng số người chết lại tăng 18%. Nguyên nhân hàng đầu là do người tham gia giao thông sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng (Theo vtv.vn).
Nhằm mục tiêu giảm thiểu số người chết do tai nạn giao thông, giữa tháng 4 năm nay lực lượng liên ngành sẽ ra quân xử phạt các hành vi đội mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng. Đồng thời để có đủ cơ sở pháp lý xử phạt hành vi trên Bộ Khoa học và Công nghệ, Công thương, Công an, Giao thông và Vận tải vừa ký Thông tư liên tịch số 06 để hướng dẫn vấn đề này.
Rõ ràng, xét về mục đích hạn chế mất mát về người trong những vụ tai nạn giao thông là điều đáng khen ngợi. Tuy nhiên, việc xử phạt hành vi đội mũ bảo hiểm giả cần phải cân nhắc thận trọng, vì nó trái luật cũng như không phù hợp với thực tiễn.
Thứ nhất, xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả là việc cắt bỏ phần ngọn của vấn đề còn phần gốc vẫn đang sinh sôi nảy nở. Để không có chuyện đội mũ bảo hiểm giả thì cần triệt để nguồn cung của nó. Đây là nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền, trên thị trường còn xuất hiện mũ bảo hiểm giả là họ còn có lỗi với nhân dân, đất nước vì không làm tròn trọng trách được giao.
Thứ hai, trái với Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc người mua mua phải mũ bảo hiểm giả là họ đã bị người bán lừa dối mình, đáng lẽ ra cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải đứng ra bảo vệ họ. Nhưng ở đây lại xử phạt họ, chẳng khác nào trị người “bị lừa”, coi người “bị lừa” như một cái tội. Rõ ràng, quy định trên đã trái với Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ ba, không phù hợp với thực tiễn. Trong kinh doanh, một triết lý tồn tại ngàn đời nay “người mua nhầm, chứ người bán không nhầm”, điều này có nghĩa người bán hiểu rõ về thứ mà họ bán hơn việc người mua hiểu cái mình mua. Cho nên người mua mua phải mũ bảo hiểm giả âu cũng là lẽ thường, nên việc phạt họ chẳng khác gì buộc họ phải biết rõ “cái mà họ mơ hồ”.
Thứ tư, việc đánh giá chất lượng mũ bảo hiểm như thế nào là đạt yêu cầu, đây không phải là dễ mà phải dựa vào các thiết bị máy móc hiện đại. Còn người dân ra tiệm mua mũ chỉ có cặp mắt, liệu có thể đánh giá đúng chất lượng của mũ hay không? Chắc chắn là điều không thể, vậy tại sao phải xử phạt họ. Chỉ khi nào việc sử dụng mũ bảo hiểm giống như việc cấp giấy phép lái xe thì mới có thể bắt người dân không được dùng hàng giả.
Thay vì phải thấu hiểu đời sống thực tiễn để ban hành những quy định phù hợp nhằm điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội một cách hài hòa, góp phần vào sự ổn định, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân thì những người có thẩm quyền lại đưa ra những quy định “bắt bí”. Rất mong, những người có thẩm quyền hãy đặt mình vào vị trí của nhân dân trước khi có ý định điều tiết xã hội, có như vậy mới đảm bảo việc pháp luật phù hợp với thực tiễn, dân nghe, dân biết, dân thực hiện.
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 05/03/2013 10:51:05 CH
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 05/03/2013 10:49:19 CH