Rút kinh nghiệm vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất”

Chủ đề   RSS   
  • #543794 18/04/2020

    lamkylaw
    Top 100
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:31/10/2018
    Tổng số bài viết (660)
    Số điểm: 14232
    Cảm ơn: 10
    Được cảm ơn 612 lần


    Rút kinh nghiệm vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất”

    Thông qua công tác kiểm sát xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành Thông báo rút kinh nghiệm vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất" bị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm để xét xử lại sơ thẩm; cụ thể như sau:

    1. Tóm tắt nội dung vụ án

    Tại đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là ông Dương Minh K và bà Vũ Thị L trình bày: Năm 2015, ông, bà nhận chuyển nhượng cho ông Nguyễn Trọng T, bà Nguyễn Thị Mai H thửa đất có diện tích 12.305 m2. Sau khi hoàn tất thủ tục, ông, bà tiến hành bàn giao thực địa có sự chứng kiến của ông Võ Q, bà Nguyễn Thị P và ông T, bà H. Các bên có lập biên bản thỏa thuận phân định ranh giới, đồng thời trừ ra một phần diện tích đất để làm lối đi chung. Tuy nhiên, đến năm 2016, gia đình ông Q rào cả phần diện tích ông K, bà L đã bỏ ra để làm đường đi. Vì vậy, ông, bà khởi kiện yêu cầu ông Q, bà P trả lại diện tích đất lấn chiếm là 1.320m2 và tháo dỡ hàng rào.

    Theo trình bày của bị đơn ông Võ Q và bà Nguyễn Thị P: Thửa đất của ông, bà giáp ranh với thửa đất của ông T, bà H. Các bên sử dụng ổn định, không có tranh chấp gì. Năm 2015, ông T, bà H chuyển nhượng lại cho ông K, bà L. Các bên tiến hành bàn giao thực địa và thống nhất lấy hàng gốc mít, cây dẻ kéo dọc theo hai hàng cà phê của hai thửa đất để làm giáp ranh. Đến nay, các gốc mít và cây dẻ vẫn còn và để bảo vệ tài sản của gia đình nên ông Q, bà P rào lại để canh tác. Ông, bà chỉ rào phần đất của mình chứ không rào sang phần đất của ông K, bà L. Do đó, ông, bà không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông K, bà L. Đề nghị Tòa án căn cứ vào biên bản thỏa thuận và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để giải quyết vụ án.

    2. Quá trình giải quyết vụ án

    Bản án dân sự sơ thẩm số 20/2018/DS-ST ngày 02/7/2018 của TAND huyện K, tỉnh Đ quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Dương Minh K, bà Vũ Thị L. Buộc ông Võ Q, bà Nguyễn Thị P trả cho ông Dương Minh K và bà Vũ Thị L diện tích đất  là 1.320 m2 và phá bỏ tài sản gắn liền với phần diện tích đất nói trên.

    Trong thời hạn luật định, ông Võ Q và bà Nguyễn Thị P kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Bản án dân sự phúc thẩm số 161/2018/DS-PT ngày 19/11/2018 của TAND tỉnh Đ quyết định: Chấp nhận kháng cáo của bị đơn là ông Võ Q và bà Nguyễn Thị P. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 20/2018/DS-ST ngày 02/7/2018 của TAND huyện K; bác đơn khởi kiện của ông Dương Minh K, bà Vũ Thị L về việc buộc ông Võ Q và bà Nguyễn Thị P trả lại diện tích đất 1.320 m2. Các bên có quyền khởi kiện tranh chấp lối đi chung thành một vụ kiện riêng.

    Căn cứ đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm nêu trên của ông Dương Minh K và bà Vũ Thị L, ngày 27/5/2019, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện K xét xử lại sơ thẩm. Ngày 05/9/2019, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng có quyết định chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND  cấp cao tại Đà Nẵng.

    3. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

    Về nguồn gốc, diện tích và ranh giới tranh chấp: Nguồn gốc đất của hộ ông Võ Q là nhận chuyển nhượng từ năm 1995 của một người dân tộc Thái không rõ lai lịch và chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 25/12/2000, hộ ông Q được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa số 57 tờ bản đồ 54 tại thôn E, xã Y, huyện K, tỉnh Đ với diện tích là 19.520 m2. Năm 2017, ông Q chuyển nhượng 10.244,6 m2 cho ông Trần Ngọc B, bà Nguyễn Thị V (phần tiếp giáp đất với ông K, hiện nay đất thuộc thửa 108). Diện tích đất còn lại của ông Q là 9.275,5 m2 (thuộc thửa 57).

    Ngày 22/11/2015, ông T, ông K, ông Q và ông D (con ông Q) lập "Giấy xác nhận bờ lô" thể hiện: Phần ranh giới giữa 02 thửa đất của ông K và ông Q là hàng mít (chỉ còn gốc mít) dọc hai hàng cà phê của hai bên phóng thẳng lên cây dẻ làm đường ranh giới, hai bên thống nhất không thống nhất trồng cây gì, để làm đường đi chung.

    Tại Trích đo địa chính thửa đất do Công ty TNHH Đo đạc -Tư vấn Nông Lâm nghiệp Đ đo vẽ thể hiện: Phần tranh chấp có diện tích 755,6 m2. Thửa đất 28a hiện nay ông K đang sử dụng có diện tích là 10.934,4 m2. Thửa đất 57 hiện nay ông Q đang sử dụng có diện tích 12.141,4 m2. Thửa đất 108 hiện nay ông B, bà V đang sử dụng có diện tích 10.300,6 m2.

    Như vậy, so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (không tính diện tích đất tranh chấp), diện tích đất của ông K (thửa 28a) thiếu 1.370,6m2; diện tích đất của ông Q (thửa 57) thừa 2.865,9m2. Diện tích đất của ông B, bà V thừa 56 m2. Tổng diện tích đất của ông Q và ông B thừa 2.921,9 m2.

    Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án không thu thập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu của 02 hộ tranh chấp mà chỉ thu thập hồ sơ cấp đổi Giấy chứng nhận và hồ sơ tách thửa đối với các thửa đất liên quan. Do vậy, đơn vị đo đạc chỉ căn cứ vào ranh giới do chủ sử dụng đất chỉ dẫn để đo đạc mà không xác định được ranh giới được cấp Giấy chứng nhận của các bên. Từ đó, không xác định được vì sao ông Q thừa đất? Vì sao ông K thiếu đất? Diện tích đất tranh chấp nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ nào?

    Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông Q, bà P trả cho ông K, bà L diện tích đất 1.320 m2, trong khi diện tích đất tranh chấp (theo kết quả đo đạc) chỉ có 755,6 m2 là không có căn cứ.

    Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông K, bà L; các bên có quyền khởi kiện tranh chấp lối đi chung thành vụ kiện khác là không giải quyết triệt để vụ án./.

    Theo Viện kiểm sát nhân dân tối cao

    Cập nhật bởi lamkylaw ngày 18/04/2020 08:49:12 SA
     
    4465 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn lamkylaw vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (18/04/2020)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận