Tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:
“Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;
b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
c) Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.”
|
Đồng thời, theo Điều 257 Bộ luật Hình sự 1999 quy định:
Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. |
Theo quy định trên, để cấu thành tội chống người thi hành công vụ cần phải thỏa mãn những điều kiện sau:
-Chủ thể: người từ 16 tuổi trở lên
-Lỗi: cố ý
- Hành vi: Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hành vi dùng thủ đoạn khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Nhưng thế nào được xem là “cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ”? Đơn cử trường hợp xử phạt hành chính giao thông đường bộ, người dân yêu cầu cảnh sát giao thông cung cấp bằng chứng, giải thích rõ ràng lỗi vi phạm của mình và không đồng ý ký biên bản xử phạt có bị xem là “cản trở”? Rồi trường hợp người dân không cho công an vào khám xét nhà vì không có thông báo có phải là “không chấp hành yêu cầu”?
Việc thiếu quy định cụ thể dẫn tới việc người dân sai phạm không biết mình sai phạm, và người thi hành công vụ cũng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của dân để lạm quyền.
Vậy đâu là ranh giới của việc bảo vệ mình và xâm phạm quyền lợi của người khác?