Theo thông tin bạn cung cấp, giếng làng này trước đây dùng để cung cấp nước sạch cho cả làng dùng để sinh hoạt. Sau đó, giếng làng không còn được sử dụng nữa mà chính quyền trong thôn đã cho gia đình tôi thuê với mục đích là thả cá. Sau đó thôn đã bán lại cho gia đình bạn bằng giấy tờ viết tay. Hiện nay, một nhóm các cụ hưu trí đứng ra bán với sự hậu thuẫn của trưởng thôn và bí thư thôn. Như vây, ở đây bạn cần xác minh rõ giếng nước thuộc sở hữu của ai? Sở hữu công hay sở hữu chung?
- Sở hữu chung:
Theo khoản 1 Điều 207
Bộ luật Dân sự 2015 về sở hữu chung và các loại sở hữu chung: “Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản.”
Theo quy định tại Điều 211 Bộ luật dân sự 2015 về Sở hữu chung của cộng đồng
“1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng.
2. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
3. Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia.”
Như vây, căn cứ vào quy định trên cái giếng nếu thuộc sở hữu chung của cộng đồng dân cư thì một nhóm các cụ hưu trí cùng với trưởng thôn và bí thư thôn không có quyền bán đất giếng. Mà phải được sự nhất trí của toàn bộ bà con trong thôn đồng ý bán thì mới được.
- Sở hữu công (sở hữu nhà nước):
Theo quy định pháp Luật đất đai thì: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này. Với mảnh đất nêu trên, do không có ai sử dụng, quản lí nên nhà nước sẽ có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt mảnh đất này.
Hiện nay, tại Điều 59
Luật đất đai 2013 quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất như sau:
“1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
- Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức;
- Giao đất đối với cơ sở tôn giáo;
- Giao đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật này;
- Cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 56 của Luật này;
- Cho thuê đất đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
- Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định;
- Giao đất đối với cộng đồng dân cư.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.
4. Cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được ủy quyền.”
Với những quy định trên thì thẩm quyền giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc về UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Trong qua trình thực hiện thì hai cơ quan trên không được ủy quyền cho bất kì cơ quan, tổ chức khác.
Căn cứ các quy định trên, trưởng thôn không phải là chủ thể có thẩm quyền chuyển giao quyền sử dụng đất đối với mảnh đất do nhà nước quản lí. Theo đó, việc trưởng thôn hay các đại diện trong thôn bán mảnh đất giếng là trái với quy định của pháp luật đất đai hiện hành. Theo đó, nếu ai mua đất giếng trên thì việc mua bán đó là bất hợp pháp. Khi đó, hợp đồng mua bán trên sẽ đương nhiên vô hiệu.
Nếu như việc bán đất giếng này ảnh hưởng trực tiếp đên quyền lợi của gia đình bạn thì bạn nên khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện. Nếu không ảnh hưởng thì bạn không nên khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện vụ việc này. Việc bán đất sai thẩm quyền trước sau cũng bị phát hiện.
Trên đây là nội dung tư vấn của tôi, nếu bạn có gì thắc mắc thì hãy liên lạc trực tiếp để tư vấn cụ thể hơn.
Luật sư: Vũ Văn Toàn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; Điện thoại: 0978 99 4377
Website: https://myskincare.vn ; https://tplgiabinh.blogspot.com ; Email: luatsuvutoan@gmail.com.