Quyền lợi được nghỉ ngơi trong ngày “đèn đỏ” của lao động nữ

Chủ đề   RSS   
  • #603470 22/06/2023

    Quyền lợi được nghỉ ngơi trong ngày “đèn đỏ” của lao động nữ

    Người lao động là điều kiện đầu tiên, cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của loài người. Người lao động là yếu tố cơ bản trong quan hệ lao động. Do đó, cần tạo điều kiện để người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng có thể có sức khoẻ tốt để hoàn thành công việc.

     

    1. Lao động nữ được nghỉ 30 phút trong “ngày đèn đỏ"

     

    Điều 135 Bộ luật lao động 2019 có quy định về chính sách chăm sóc sức khỏe của nhà nước với lao động nữ như sau:

     

    Có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hoà cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình.

     

    Đối với phụ nữ, thời gian kinh nguyệt (“ngày đèn đỏ”) mỗi tháng là thời gian rất khó chịu, sức khỏe bị suy giảm ít nhiều. Nếu không có chế độ chăm sóc, nghỉ ngơi tốt có thể gây hậu quả xấu cho người lao động. 

     

    Chính vì vậy, pháp luật đã có quy định về thời gian nghỉ ngơi của lao động nữ trong thời gian này như sau theo khoản 4 Điều 137 Bộ luật lao động 2019:

    Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

    Cụ thể, lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ như sau (Nghị định 145/2020/NĐ-CP) :

     

    - Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động;


    - Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;

     

    - Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.

    Như vậy, mỗi ngày đèn đỏ, lao động nữ được nghỉ 30 phút ngoài thời gian nghỉ thông thường. Mỗi tháng lao động nữ được nghỉ thêm 3 ngày. Đây là thời gian nghỉ tối thiểu, thực tế có thể cao hơn. Quy định này là cần thiết để đảm bảo sức khỏe và năng suất lao động cho lao động nữ.

    2. Xử phạt doanh nghiệp vi phạm 

     

    Doanh nghiệp không chấp hành quy định cho lao động nữ nghỉ ngơi trong ngày đèn đỏ có thể bị xử phạt theo điểm d khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP:

     

    Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động đối với hành vi Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

     

    Trên thực tế thì quy định này vẫn chưa được tuân thủ đầy đủ. Nhiều nơi phụ nữ vẫn phải cắn răng làm việc dù rất khó chịu và đau đớn trong “ngày đèn đỏ”. Nhà nước cần có các biện pháp cụ thể để đảm bảo thực thi đúng pháp luật.

     
    452 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận