Căn cứ khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nếu không được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn thì sẽ được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Do đó, nếu lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà công ty không chuyển người lao động sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn thì sẽ được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày.
Ngoài ra, khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định:
“Điều 80. Chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ
…
4. Nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi:
a) Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
b) Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;
c) Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.
…”
Như vậy, trong trường hợp này người lao động sẽ được giảm bớt 02 giờ làm việc hằng ngày.
Bên cạnh đó, nếu người lao động không có nhu cầu nghỉ mà vẫn làm việc trong 02 giờ này thì người lao động sẽ được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ, tức theo quan điểm của mình thì tiền lương trong 2h này sẽ tính theo giờ làm việc bình thường.