Chào bạn votanhung,
Thắc mắc của bạn được Luật sư Đoàn Khắc Độ trả lời như sau:
Trước hết, bạn cần phân biệt giữa "Đơn phương" chấm dứt HĐLĐ và "Thỏa thuận" chấm dứt HĐLĐ.
Đối với người lao động thì quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ quy định tại Điều 37 Bộ luật lao động (BLLĐ). Trường hợp thỏa mãn một trong các điều kiện tại điều luật này thì người lao động được đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Người lao động chỉ thông báo trước cho người sử dụng lao động một thời gian theo luật định.
HĐLĐ của ông A là hợp đồng không xác định thời hạn, nên theo quy định tại khoản 3, Điều 37 BLLĐ thì ông A có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ bất cứ lúc nào mà KHÔNG CẦN SỰ ĐỒNG Ý của Công y, ông A chỉ việc thông báo trước cho Công ty 45 ngày.
Khác với trường hợp "thỏa thuận" chấm dứt HĐLĐ, nếu không thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì người lao động phải làm ĐƠN XIN NGHỈ VIỆC và phải được công ty đồng ý (ký xác nhận bằng văn bản) thì mới được nghỉ việc.
Có không ít người nhầm lẫn giữa đơn phương chấm dứt HĐLĐ và thỏa thuận chấm dứt HĐLD, nên khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà cũng làm ĐƠN XIN thay vì chỉ làm THÔNG BÁO NGHỈ VIỆC.
Tóm lại: Nếu Ông A đã gửi đến Công ty B thông báo nghỉ việc được 45 ngày thì ông A có quyền nghỉ việc để xin làm việc tại công ty khác, mà không phải chờ Công ty B đồng ý. Mọi chế độ về trợ cấp thôi việc và chế độ khác thì ông A yêu cầu Công ty B giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bạn có thể tham khảo khoản 3, Điều 37 BLLĐ sau đây:
Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
Thân mến.
Luật sư Đoàn Khắc Độ, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đức
Điện thoại: 0903 168 986
Email: do@luatdaiduc.vn
Website: www.luatdaiduc.vn