Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 103/NĐ-CP quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Trong đó có các quy định mới về việc ghi nợ và xóa nợ tiền sử dụng đất.
(1) Ghi nợ, xóa nợ tiền sử dụng đất là gì?
Ghi nợ tiền sử dụng đất là thủ tục hành chính mà người được giao đất, sử dụng đất được thực hiện để tạm thời chưa phải nộp toàn bộ số tiền sử dụng đất mà Nhà nước đã quyết định.
Số tiền này sẽ được ghi nhận vào sổ sách của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người sử dụng đất sẽ có nghĩa vụ thanh toán trong một thời gian nhất định hoặc theo một hình thức nhất định.
Việc tạo điều kiện cho người dân được ghi nợ sẽ giúp họ ổn định cuộc sống, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặc biệt là những hộ gia đình, cá nhân đang gặp khó khăn về mặt tài chính hoặc vừa mới được bố trí tái định cư mà số tiền bồi thường nhỏ hơn số tiền sử dụng đất phải nộp khi được giao đất tái định cư thì việc ghi nợ tiền sử dụng đất sẽ giúp họ giảm bớt gánh nặng tài chính trong giai đoạn đầu.
Xóa nợ tiền sử dụng đất là thủ tục hành chính nhằm xác nhận việc hộ gia đình, cá nhân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và cập nhật thông tin lên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi đã hoàn thành việc thanh toán toàn bộ số tiền sử dụng đất đã ghi nợ.
Việc xóa nợ giúp cập nhật thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trở nên chính xác và minh bạch, khi đó việc thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất đai sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục ghi nợ theo quy định pháp luật khi có nhu cầu ghi nợ tiền sử dụng đất.
(2) Thủ tục ghi nợ tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 103/2024/NĐ-CP, trình tự thủ tục thực hiện việc ghi nợ tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân gồm các bước như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Đối với trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất của người được bố trí tái định cư
- Thành phần hồ sơ:
+ Đơn đề nghị ghi nợ tiền sử dụng đất
+ Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất
+ Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận: Quyết định giao đất tái định cư và Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt
- Nơi nộp hồ sơ: Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoặc bộ phận một cửa liên thông.
Đối với trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất của người không được bố trí tại định cư
Người sử dụng đất thực hiện trình tự thủ tục về ghi nợ (nếu có) theo quy định tại Nghị định 101/2024/NĐ-CP về cấp giấy chứng nhận.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
- Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoặc bộ phận một cửa liên thông rà soát, kiểm tra hồ sơ của người được ghi nợ và lập Phiếu chuyển thông tin gửi đến cơ quan thuế và các cơ quan liên quan theo quy định
- Nội dung trong Phiếu chuyển thông tin bao gồm:
+ Đối tượng được ghi nợ
+ Thời hạn sử dụng đất được ghi nợ
- Trả Giấy hẹn cho người được ghi nợ
Bước 3: Phát thông báo cho người được ghi nợ
- Căn cứ Phiếu chuyển thông tin, cơ quan thuế tính và ban hành Thông báo gửi đến hộ gia đình, cá nhân, Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và cơ quan liên quan (nếu cần) trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành thông báo.
- Thông báo phải bao gồm các nội dung sau đây:
+ Tổng số tiền sử dụng đất hộ gia đình, cá nhân phải nộp.
+ Số tiền sử dụng đất được ghi nợ.
+ Số tiền sử dụng đất không được ghi nợ (nếu có).
+ Thời hạn hộ gia đình, cá nhân phải nộp tiền; gồm:
(i) Thời hạn nộp số tiền sử dụng đất không được ghi nợ (nếu có) theo thời hạn quy định của pháp luật về quản lý thuế.
(ii) Thời hạn nộp số tiền sử dụng đất được ghi nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 103/2024/NĐ-CP.
Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận
- Hộ gia đình, cá nhân nộp số tiền sử dụng đất không được ghi nợ (nếu có) vào ngân sách nhà nước theo Thông báo của cơ quan thuế và nộp chứng từ tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoặc bộ phận một cửa liên thông để được cấp Giấy chứng nhận.
- Cơ quan thu ngân sách nhà nước có trách nhiệm thu tiền sử dụng đất theo Thông báo của cơ quan thuế và cung cấp chứng từ cho hộ gia đình, cá nhân; đồng thời chuyển thông tin về số tiền thu được của hộ gia đình, cá nhân đến các cơ quan liên quan theo quy định.
- Căn cứ chứng từ mà hộ gia đình, cá nhân nộp, Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoặc bộ phận một cửa liên thông trả Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định; trong đó tại Giấy chứng nhận có nội dung về số tiền sử dụng đất ghi nợ và thời hạn ghi nợ.
Ghi nợ tiền sử dụng đất là một chính sách mang tính nhân văn, giúp người dân có thêm cơ hội để ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để được hưởng lợi từ chính sách này, người dân cần nắm rõ quy định và thực hiện đúng thủ tục như đã nêu trên.
(3) Thủ tục xóa nợ tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân
Theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định 103/2024/NĐ-CP, trình tự thủ tục thực hiện việc xóa nợ tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Thanh toán nợ
- Căn cứ thời hạn ghi nợ, hộ gia đình, cá nhân thực hiện thanh toán nợ tiền sử dụng đất bằng cách nộp một lần tiền sử dụng đất còn nợ vào ngân sách nhà nước.
- Cơ quan thu ngân sách nhà nước có trách nhiệm thu tiền sử dụng đất còn nợ theo số nợ ghi trên Giấy chứng nhận hoặc Thông báo của cơ quan thuế và cung cấp chứng từ cho hộ gia đình, cá nhân; đồng thời chuyển thông tin về số tiền thu được của hộ gia đình, cá nhân đến các cơ quan liên quan theo quy định.
- Cơ quan thuế ban hành Thông báo về việc xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính về thu tiền sử dụng đất
Bước 2: Nộp hồ sơ xóa nợ
- Sau khi hoàn thành việc thanh toán nợ tiền sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ gồm:
+ Giấy chứng nhận (bản gốc)
+ Chứng từ nộp tiền sử dụng đất (bản gốc) hoặc Thông báo về việc xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính về thu tiền sử dụng đất (bản gốc). Trường hợp bị mất, thất lạc chứng từ thì hộ gia đình, cá nhân đến cơ quan thu ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý thuế để được xác nhận số tiền sử dụng đất đã nộp.
- Nơi nộp hồ sơ: Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoặc bộ phận một cửa liên thông
- Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoặc bộ phận một cửa liên thông có trách nhiệm rà soát, đối chiếu hồ sơ mà hộ gia đình, cá nhân nộp để thực hiện xóa nợ tiền sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận và trả lại Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ xóa nợ.
Trên đây là thủ tục ghi nợ, xóa nợ tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định mới nhất tại Nghị định 103/2024/NĐ-CP.