Phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan vụ án Vạn Thịnh Phát lần thứ 2 (cập nhật liên tục)

Chủ đề   RSS   
  • #616506 19/09/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 512 lần
    SMod

    Phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan vụ án Vạn Thịnh Phát lần thứ 2 (cập nhật liên tục)

    Sáng hôm nay ngày 19/9/2024, Toà án TPHCM mở phiên toà xét xử sơ thẩm lần thứ 2 đối với bà Trương Mỹ Lan, tức vụ án Vạn Thịnh Phát. Bài viết sau đây sẽ cập nhật liên tục diễn biến phiên toà.

    [cập nhật mới ngày 02/10/2024]

    Phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan vụ án Vạn Thịnh Phát lần thứ 2 (cập nhật liên tục)

    Danh sách 34 bị cáo ở giai đoạn 2

    Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới

    1. Trương Mỹ Lan: cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

    2. Nguyễn Phương Anh: cựu Phó tổng giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula

    3. Trịnh Quang Công: Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn quản lý Acumen

    4. Trương Khánh Hoàng: cựu quyền Tổng giám đốc ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB)

    Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới

    1. Nguyễn Vũ Anh Thi: Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam

    2. Nguyễn Hữu Hiệu: Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Square Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty Cổ phần Quản lý Bất động sản Windsor

    3. Võ Tấn Hoàng Văn: cựu Tổng giám đốc ngân hàng SCB

    4. Bùi Anh Dũng: cựu chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB

    Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền

    1. Trần Thị Mỹ Dung: cựu Phó tổng giám đốc ngân hàng SCB

    Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

    1. Trương Huệ Vân: cựu Tổng giám đốc công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor

    2. Hồ Bửu Phương: cựu Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán TVSI, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

    3. Bùi Đức Khoa: cựu Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Natural Land

    4. Thái Thị Thanh Thảo: cựu Giám đốc dịch vụ khách hàng Wholesale, ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn

    5. Ngô Thanh Nhã: Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông (2015-2019).

    6. Trương Thị Kim Lài: Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông

    7. Kwok Hakman Oliver (Trung Quốc): Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông

    8. Trương Wincent Kinh (Lâm Khắc Vinh, Mỹ): Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, nguyên chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World

    9. Trần Thị Thúy Ái: kiểm sát viên ngân quỹ kiêm thủ kho ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn

    10. Phạm Thị Thúy Hằng: kế toán trưởng Công ty Tập đoàn Sài Gòn Peninsula

    11. Đặng Phương Hoài Tâm: cựu phó Văn phòng Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

    12. Phan Chí Luân: nhân viên văn phòng HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát

    13. Trần Văn Tuấn: Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ - Thương mại TP HCM (Setra)

    14. Trần Thị Lan Chi: kế toán trưởng Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại TP HCM (Setra)

    15. Trần Đình Hưng: cựu Phó giám đốc tài chính Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World và Công ty Cổ phần Đầu tư Quang Thuận

    16. Huỳnh Phong Phú: cựu kế toán Công ty Cổ phần Đầu tư Quang Thuận

    17. Vũ Quốc Tuấn: cựu Giám đốc tài chính công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World

    18. Đinh Thị Ngọc Thanh: cựu kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư và Phát triển Sunny World

    19. Lý Quốc Trung: Phó tổng giám đốc, kiểm toán viên Công ty Kiểm toán và tư vấn A&C

    20. Phạm Hoa Đăng: kiểm toán viên công ty Kiểm toán và tư vấn A&C

    Tội Rửa tiền

    1. Chu Lập Cơ: cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Quảng trường thời đại (Việt Nam) - Times Square

    2. Bùi Văn Dũng: lái xe riêng của bà Trương Mỹ Lan

    3. Trần Thị Hoàng Uyên: thư ký bà Trương Mỹ Lan

    4. Trần Xuân Phượng: thư ký của Ngô Thanh Nhã, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát

    Tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới

    1. Tô Thị Anh Đào: Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát

    Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Thái độ trái ngược của các bị cáo

    (NLĐO) - Phiên xét xử lần này tiếp tục làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm.

    Ngày 19-9, TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) giai đoạn 2.

    Phiên xét xử lần này tiếp tục làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm.

    Bị cáo Trương Mỹ Lan

    Theo cáo buộc của VKSND Tối cao, các bị cáo phạm tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

    Mở đầu phiên xử, HĐXX thẩm tra lý lịch của bà Trương Mỹ Lan. Bà Lan bị cáo buộc phạm cả 3 tội danh trên. Bị cáo này giữ thái độ điềm tĩnh, trả lời rõ ràng, mạch lạc các câu hỏi về nhân thân.

    Bị cáo Chu Lập Cơ

    HĐXX hỏi về nhân thân, bà Lan khai rằng trong phiên xét xử sơ thẩm trước đó (kéo dài từ ngày 5-3 đến 11-4 tại TAND TP HCM), bà "bị quy buộc" 3 tội danh Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và Đưa hối lộ.

    Tương tự như phiên xét xử trước đó, bị cáo Chu Lập Cơ (bị cáo buộc tội "Rửa tiền"), chồng bà Trương Mỹ Lan, tiếp tục được hỗ trợ bởi phiên dịch viên tiếng Anh để đảm bảo ông có thể hiểu và tham gia vào quá trình xét hỏi. Trong phiên xét xử, cả ông Chu Lập Cơ và Trương Huệ Vân (bị cáo buộc tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản), cháu gái của bà Trương Mỹ Lan, đều giữ thái độ bình tĩnh, không bộc lộ nhiều cảm xúc trước những câu hỏi của HĐXX.

    Bị cáo Trương Huệ Vân

    Trái ngược với sự bình tĩnh của bà Lan, một số đồng phạm trong vụ án đã không giữ được bình tĩnh. Điển hình là bị cáo Thái Thị Thanh Thảo (cựu giám đốc dịch vụ khách hàng Wholesale thuộc Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn; bị cáo buộc tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"), bị cáo Tô Thị Anh Đào (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát; bị cáo buộc tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới") đã bật khóc nức nở khi được thẩm vấn.

    Chủ toạ phiên toà nhiều lần nhắc nhở các bị cáo cần phải giữ bình tĩnh trong suốt quá trình xét xử.

    An ninh phiên toà được siết chặt

    Theo đó, cáo trạng xác định bị cáo Thái Thị Thanh Thảo đã chỉ đạo Trần Thị Thuý Ái (cựu kiểm soát viên ngân quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn) và các giao dịch viễn Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn đi lệnh nộp/chuyển/rút tiền trong dòng tiền không để tạo lập trái phiếu do các Công ty An Đông và Sunny World giúp Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành trái phiếu của Công ty An Đông và Sunny World chiếm đoạt số tiền hơn 26.500 tỉ đồng của 30.744 bị hại.

    Bị cáo Tô Thị Anh Đào bị cáo buộc là người quản lý Công ty Helios để nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam và chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hợp đồng vay nợ "khống" giữa Công ty Helios với Công ty ở nước ngoài. Theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Tô Thị Anh Đào thực hiện các thủ tục khống để Công ty Helios nhận từ nước ngoài về 40 triệu USD, đồng thời chuyển đi nước ngoài 40 triệu USD. 

    Ngoài ra, khi kế toán trưởng Công ty VIPD đã ký 2 ủy nhiệm chi chuyển số tiền 445.133 tỉ đồng từ Công ty VIPD đến Công ty Blue Pearl để Công ty Blue Pearl chuyển thành 19,6 triệu USD chuyển ra nước ngoài cho Công ty Leader Vission. VKSND Tối cao cáo buộc hành vi của Tô Thị Anh Đào đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan vận chuyển trái phép hơn 99 triệu USD qua biên giới. 

    Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Một người bị đình chỉ điều tra liên tục bị nhắc tới

    (NLĐO) – Trả lời HĐXX, nhiều bị cáo liên tục nhắc đến vai trò chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng giám đốc SCB, trợ lý Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; đã chết) dù cơ quan chức năng đã đình chỉ điều tra đối với người này.

    Chiều 20-9, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2) với phần xét hỏi các bị cáo tham gia phát hành trái phiếu bất hợp pháp, hỗ trợ tích cực cho quá trình huy động vốn trái phép và che giấu dòng tiền không minh bạch, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

    Những lời khai hướng đến Nguyễn Phương Hồng

    Trả lời HĐXX, nhiều bị cáo liên tục nhắc đến vai trò chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng giám đốc SCB, trợ lý Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; đã mất) dù cơ quan chức năng đã đình chỉ điều tra đối với người này.


    Quang cảnh bên ngoài phiên xét xử

    Bị cáo Thái Thị Thanh Thảo, cựu giám đốc dịch vụ khách hàng Wholesale Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn, bị cáo buộc là người tham gia tạo lập trái phiếu thông qua việc tiếp nhận các file Excel có thông tin các giao dịch nộp/ rút/ chuyển tiền giữa các cá nhân, công ty thuộc Tập đoàn VTP.

    Bị cáo Thảo còn tham gia đi lệnh nộp/chuyển/rút tiền trong dòng tiền khống. Từ đó, Thảo đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt hơn 27.000 tỉ đồng.

    Thảo khai nhận chỉ đạo trực tiếp từ Phương Hồng. Với những chỉ đạo từ người này, Thảo không được hỏi lại, không được chia sẻ thông tin ra ngoài. Bị cáo khai không được nhận lợi ích gì ngoài tiền lương hằng tháng.

    Bị cáo Trương Mỹ Lan

    Bị cáo Trần Thị Thúy Ái, cựu kiểm soát viên ngân quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn, khai rằng Hồng đã chỉ đạo bị cáo tiếp nhận và xử lý một nhóm khách hàng ưu tiên, được phục vụ riêng và ngoài giờ làm việc khi đến nộp tiền tại SCB.

    Một số khách hàng đến nộp tiền mặt nhưng lại không có tiền mặt. Khi bị cáo thắc mắc về việc này, Hồng chỉ trả lời rằng "nhiệm vụ của Ái là làm theo chỉ đạo". Bị cáo nói, vì hoàn cảnh bản thân khó khăn, không dám nghỉ việc tại SCB nên Hồng nhất mực làm theo chỉ đạo.

    Bị cáo Ái thừa nhận đã ký 191 chứng từ nộp tiền và 238 chứng từ rút tiền liên quan đến dòng tiền khống của Công ty An Đông, cùng với 24 chứng từ nộp và 28 chứng từ rút tiền của Công ty Sunny World. Bị cáo khai tất cả theo chỉ đạo của Hồng và bị cáo Thanh Thảo, giúp Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 26.000 tỉ đồng từ 30.744 bị hại.

    Bị cáo Trần Mỹ Dung, cựu phó Tổng giám đốc phụ trách tín dụng và xử lý nợ SCB, cũng thừa nhận nội dung như cáo trạng truy tố. Bị cáo khai tiếp nhận chỉ đạo của Trương Khánh Hoàng, cựu tổng giám đốc SCB, và nhận phương án dòng tiền khống, sau đó chỉ đạo Bùi Anh Dũng (cựu Giám đốc SCB Chi nhánh Bến Thành) hợp thức chứng từ, đi lệnh dòng tiền khống, hạch toán trên hệ thống Ngân hàng SCB, giúp cho Công ty Setra phát hành trái phiếu theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, giúp sức Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt số tiền 2.000 tỉ đồng của 2.431 bị hại.

    Chủ tọa hỏi, bị cáo có biết Trương Khánh Hoàng nhận chỉ đạo từ ai không? Bị cáo Dung trả lời rằng người chỉ đạo Hoàng là Trương Mỹ Lan và Nguyễn Phương Hồng.

    Nhiều người thân rơi "bẫy trái phiếu"

    Bị cáo Trương Khánh Hoàng khai cáo trạng miêu tả hành vi khách quan đúng. Bị cáo còn chia sẻ rất buồn về hành vi đã gây ra, thể hiện sự ăn năn hối lỗi. Trong số những người bị hại, có cả những người thân trong gia đình của bị cáo, điều này càng làm gia tăng cảm giác đau lòng và trách nhiệm của bị cáo. Cụ thể, mẹ và dì của bị cáo cũng đã mua trái phiếu khống.


    Các bị cáo tại phiên xét xử

    Bị cáo Bùi Anh Dũng khai khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết mình dính vào trái phiếu khống. Bị cáo thừa nhận đã thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, tạo điều kiện cho nhóm khách hàng ưu tiên (khách hàng VIP liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) thực hiện các giao dịch, chỉ đạo nhân viên của ngân hàng hạch toán chứng từ trên hệ thống và thực hiện các lệnh nộp, chuyển, nộp, rút tiền khống để hỗ trợ Công ty Setra phát hành trái phiếu theo chủ trương của Trương Mỹ Lan. Hành động này đã giúp Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt số tiền lên tới 2.000 tỉ đồng của 2.431 bị hại

    Bị cáo nói, thời điểm bấy giờ, bị cáo nghĩ việc phát hành trái phiếu là đúng. Cũng vì vậy mà mẹ, vợ, anh em của bị cáo đều tham gia mua trái phiếu.

    Em dâu nói về Trương Mỹ Lan

    Trước tòa, bị cáo Ngô Thanh Nhã, cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Chủ tịch HĐQT Công ty An Đông, khai rằng bị cáo Trương Mỹ Lan là chị chồng của Nhã. Bị cáo Nhã cho biết bản thân không có trình độ chuyên môn hay nghiệp vụ về trái phiếu và chỉ làm theo chỉ đạo của bị cáo Lan.

    Sau khi tiếp nhận chủ trương từ Trương Mỹ Lan, chị Lan đã chọn Công ty An Đông để phát hành trái phiếu, giao cho Bửu Phương phụ trách công việc chính.

    Với tư cách là người quản trị Công ty An Đông, bị cáo Nhã khẳng định không có bàn bạc hay lựa chọn nào với Trương Mỹ Lan. Bị cáo chỉ biết rằng bà Lan đã chọn Công ty An Đông để phát hành trái phiếu, và hoàn toàn tin tưởng vào quyết định của chị chồng mà không có nghiệp vụ liên quan.


    Bị cáo Chu Lập Cơ, chồng bị cáo Trương Mỹ Lan

    Bị cáo cũng nhấn mạnh rằng không quản lý hoạt động của Công ty An Đông mà chỉ đứng tên, trong khi chỉ phụ trách công ty Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, với nhiệm vụ chủ yếu là lo hậu cần, lương thưởng Tết và các hoạt động từ thiện. Bị cáo không tham gia vào các hoạt động kinh doanh của Công ty An Đông.

    Khi thư ký trình giấy tờ, bị cáo chỉ ký theo lời của bà Lan mà không biết rõ nội dung. Bị cáo không chỉ đạo các hoạt động thực tế của An Đông và chỉ đứng tên chức vụ. Bị cáo tỏ ra sửng sốt và không biết việc phát hành trái phiếu đã gây thiệt hại lớn đến nhiều người.

    Bị cáo mong muốn cố gắng hết sức để khắc phục tối đa cho người dân trước những thiệt hại mà vụ việc đã gây ra.

    [MỚI]

    Những lời khai hướng về cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

    (NLĐO) - Sáng 23-9, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2) với phần xét hỏi các bị cáo tham gia phát hành trái phiếu khống.

    Đây là ngày thứ 3 kể từ khi phiên toà được khai mạc. Trong 2 ngày trước đó, chủ toạ phiên xử đã xét hỏi 19 bị cáo liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành trái phiếu các Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra. 

    Như vậy, liên quan hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phát hành trái phiếu khống, còn 10 bị cáo sẽ được xét hỏi, trong đó có cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan.

    Hội đồng xét xử đã xét hỏi 19 bị cáo trong 2 ngày vừa qua

    Các bị cáo đã khai báo trước toà thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã nêu và giữ nguyên các lời khai tại cơ quan điều tra. Các lời khai đều hướng về vai trò chủ chốt của bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) trong việc chỉ đạo và tổ chức các hoạt động trái pháp luật này.

    Theo lời khai, từ năm 2018 đến năm 2020, bị cáo Trương Mỹ Lan là người đề ra và chỉ đạo việc thực hiện các hành vi sai phạm. Bà Lan đã chỉ đạo các bị cáo Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc SCB), Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng Giám đốc SCB; trợ lý Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI), và Hồ Bửu Phương (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VTP), sử dụng các Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra để phát hành 25 mã trái phiếu "khống", tức không có giá trị thật. Họ đã bán các trái phiếu này cho nhà đầu tư và thu về tổng cộng hơn 30.000 tỉ đồng.

    Bị cáo Trương Mỹ Lan

    Số tiền này sau đó được Trương Mỹ Lan sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng với mục tiêu ban đầu của việc phát hành trái phiếu, dẫn đến việc không thể trả nợ cho nhà đầu tư.

    Các bị cáo đều thừa nhận rằng việc truy tố của VKSND Tối cao là đúng người, đúng tội và không có oan sai. Họ khẳng định ngoài tiền lương, không được hưởng lợi gì từ việc phát hành trái phiếu. Các bị cáo cũng trình bày rằng họ chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan và không nhận thức hết được mức độ nghiêm trọng của hành vi. Họ bày tỏ sự hối hận, cam kết sẽ sắp xếp tài chính để khắc phục hậu quả và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

    Trong phần xét hỏi, liên quan đến việc phát hành trái phiếu của Công ty An Đông, bị cáo Huệ Vân cho biết thời điểm đó bị cáo chỉ quản lý các tòa nhà thương mại và dịch vụ, còn về hoạt động tài chính thì không nắm rõ. Bị cáo Vân khẳng định rằng mình không tham gia vào bất kỳ quyết định hay cuộc họp nào liên quan đến việc phát hành trái phiếu và do áp lực công việc, bị cáo không nhớ đã ký bao nhiêu loại giấy tờ hoặc hợp đồng, mà chỉ ký theo những nơi đã được đánh dấu sẵn.

    Bị cáo Trương Huệ Vân, cháu gái Trương Mỹ Lan
     

    Bị cáo Vân cũng thừa nhận sẽ chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tuy nhiên, bị cáo giải thích rằng mình chỉ là người làm thuê với mức lương 80 triệu đồng/tháng và không có khả năng khắc phục thiệt hại lớn do vụ án gây ra. Dù vậy, bị cáo cam kết sẽ cố gắng vận động gia đình để khắc phục phần nào hậu quả.

    Cuối cùng, bị cáo Vân bày tỏ sự hối hận và khẳng định rằng mình không có ý định lừa dối hay chiếm đoạt tiền của bất kỳ ai. Bị cáo xin lỗi vì những hành động của mình đã gây ảnh hưởng đến các gia đình bị hại và mong nhận được sự tha thứ.

    Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, có 10 bị cáo phạm tội xuyên suốt cả 2 giai đoạn cùng với bà Trương Mỹ Lan gồm: Trương Khánh Hoàng (cựu quyền tổng giám đốc SCB), giai đoạn 1 lãnh án 18 năm tù về tội "Tham ô tài sản"; Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) giai đoạn 1 lãnh án tù chung thân về các tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "Tham ô tài sản"; Bùi Anh Dũng (cựu chủ tịch hội đồng quản trị SCB) giai đoạn 1 lãnh án chung thân về các tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "Tham ô tài sản"; Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó tổng giám đốc SCB) giai đoạn 1 lãnh án 16 năm tù về tội "Tham ô tài sản"; Nguyễn Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) giai đoạn 1 lãnh án 17 năm tù về tội "Tham ô tài sản"; Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) giai đoạn 1 lãnh án 17 năm tù về tội "Tham ô tài sản"; Hồ Bửu Phương (chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TVSI, cựu phó tổng giám đốc tài chính Vạn Thịnh Phát) giai đoạn 1 lãnh án 20 năm tù về tội "Tham ô tài sản"; Bùi Đức Khoa (phó tổng giám đốc Công ty Natural Land) giai đoạn 1 lãnh án 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; Đặng Phương Hoài Tâm (phó trưởng phòng Văn phòng hội đồng quản trị Vạn Thịnh Phát) giai đoạn 1 lãnh án 15 năm tù về tội "Tham ô tài sản"; Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan) giai đoạn 1 lãnh án 9 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

    Tất cả các bị cáo trên đều đã kháng cáo đối với bản án sơ thẩm. Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan (bị tuyên án tử hình về các tội danh: Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng; Đưa hối lộ) đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

    Siêu dự án tại đất vàng TPHCM bà Trương Mỹ Lan muốn dùng khắc phục cho trái chủ

    Siêu dự án Amigo của bà Trương Mỹ Lan tại khu "tứ giác vàng" trung tâm quận 1 (TPHCM) có giá đất cao nhất lên tới 810 triệu đồng/m2.

    Siêu dự án Amigo nằm tại khu "tứ giác vàng" Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng, đối diện tòa nhà Times Square trên đường Nguyễn Huệ (quận 1) là tài sản được bà Trương Mỹ Lan trình bày trong phiên tòa ngày 29/9 về phương án khắc phục 30.000 tỷ đồng thiệt hại cho 35.824 cho trái chủ.

    Siêu dự án này có tổng diện tích 11.158 m2 (trong đó đất thuộc sở hữu cá nhân, tư nhân 8.342 m2, Nhà nước đang quản lý hơn 2.815 m2). Đến nay nhà đầu tư đã thỏa thuận, đền bù cho các hộ dân với diện tích 7.931 m2. Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 2.019 m2; 5.912 m2 đất nhà đầu tư đã ký biên bản thỏa thuận với các hộ dân.

    Dự án nằm đối diện với tòa nhà phức hợp Times Square trên đường Nguyễn Huệ, xung quanh là tháp tài chính Bitexco, Sun Wah,... gần các địa điểm nổi tiếng tại TPHCM như Dinh Độc Lập, UBND TPHCM, Bến Bạch Đằng, hầm Thủ Thiêm... 

    Theo lời bà Trương Mỹ Lan tại tòa, dự án Amigo có tổng giá trị gấp 3 lần so với tòa Times Square, và sẽ mang lại nhiều giá trị về lao động, kinh tế. Dự án này đã được nhà nước đồng ý chủ trương đầu tư từ năm 2007 và đã được triển khai đền bù gần 30 năm nay, giờ chỉ còn vướng mắc một chút về pháp lý.

    Nằm giữa vị trí vàng, khu tứ giác này được rất nhiều thương hiệu nhòm ngó, chủ yếu là trong ngành F&B (đồ ăn và đồ uống).

    Đây là khu vực luôn tấp nập người qua lại. Xung quanh các vỉa hè dọc đường Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng được xếp chật kín xe.

    Theo dự thảo giá đất của Sở Tài nguyên Môi trường công bố hồi tháng 7/2024, nơi có giá đất cao nhất là trên mặt đường Nguyễn Huệ với giá 810 triệu đồng/m2. 

    Ngoài "siêu dự án" Amigo tại khu đất tứ giác Nguyễn Huệ - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Ngô Đức Kế (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) bà Trương Mỹ Lan còn muốn bán dự án 6A ở Bình Chánh với giá rẻ để lấy tiền trả cho các trái chủ.

    Nguồn tin Tổng hợp

     
    446 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận