Chào mọi người,
Như chúng ta đã biết, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Sự bình đẳng này là sự bình đẳng trong việc hưởng quyền, trong việc thực hiện nghĩa vụ và chịu trách nhiệm pháp lý. Một người, khi thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật, cho dù đó là ai, có địa vị như thế nào, có nhân thân ra sao đều phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình.
Thực tế ở Việt Nam cho thấy rằng, hiện nay tính bình đẳng của công dân trước pháp luật không chỉ bị ảnh hưởng bởi đồng tiền mà còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố tình thân. Xã hội và văn hóa VN chúng ta là xã hội trọng tình. Vì vậy, đứng trước tình thân, chúng ta luôn luôn bị dao động.
Người có ý thức đạo đức và pháp luật kém thường làm mọi cách để bao che cho hành vi vi phạm pháp luật của người thân mình, thậm chí là người thân của bạn bè, bà con mình.
Người có ý thức đạo đức tốt và có ý thức pháp luật thì luôn luôn phải quay cuồng với câu hỏi: Làm thế nào bây giờ? Để cho con, em cháu của mình chịu trách nhiệm về hành vi chúng đã làm hay là phải giúp đỡ nó để không phải chịu trách nhiệm? Và kết quả cuối cùng của một thời gian suy nghĩ thường là giúp đỡ để nó thoát tội trong những trường hợp có thể được.
Bạn có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này? Bạn có giải pháp gì để nâng cao bản lĩnh của mình và mọi người trong việc tuân thủ pháp luật trong những tình huống có tình thân như vậy? Bạn đã gặp tấm gương nào tôn trọng pháp luật mà đành lòng gạt bỏ tình thân?
Hãy chia sẽ suy nghĩ của bạn?