Bảng lương (bảng chức danh) là bảng xác định khoảng cách lương cho mỗi ngạch chức danh công việc.
Bảng lương gồm một hay nhiều ngạch lương. Mỗi ngạch quy định cụ thể mức lương cho từng bậc trong ngạch lương đó số lượng bậc tối thiểu (bậc 1) đến tối đa tùy theo từng ngạch lương.
Ví dụ:
1. Bảng lương các chức danh quản lý:
* Bảng lương Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng (NĐ 205/2004/NĐ-CP)
Được thiết kế theo lương chức vụ, mỗi chức danh có 2 bậc lương theo hạng doanh nghiệp:
Đối với Tổng công ty có 2 dạng: Tổng công ty đặc biệt và tương đương; Tổng công ty và tương đương.
Đối với Công ty có 3 hạng: hạng I, hạng II và hạng III
- Cao nhất là Tổng giám đốc Tổng công ty đặc biệt và tương đương có 2 bậc lương với hệ số là 7,85 và 8,2
- Thấp nhất là kế toán trưởng Công ty hạng III có 2 bậc lương với hệ số là 4,33 và 4,66.
* Bảng lương viên chức, chuyên môn nghiệp vụ (NĐ 205/2004/NĐ-CP).
Có 4 ngạch lương:
- Chuyên viên cao cấp, kinh tế viên cao cấp, kỹ sư cao cấp: Ở ngạch này có 4 bậc lương.
- Chuyên viên chính, kinh tế viên chính, kỹ sư chính: Ở ngạch này có 6 bậc lương.
- Chuyên viên, kinh tế viên, kỹ sư: Ở ngạch này có 8 bậc lương.
- Cán sự, Kỹ thuật viên: Ở ngạch này có 12 bậc lương.
2. Bảng lương công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh:
* Bảng lương công nhân viên sản xuất điện (đối với trưởng ca vận hành các nhà máy điện, kỹ sư điều hành hệ thống điện) có 5 bậc lương, các bậc có hệ số lương tăng đều .
* Đối với công nhân lái xe: có 4 bậc và chia 6 loại :
- Loại 1: xe con;…. Loại 6: xe tải, xe cẩu 40 tấn trở lên.
Thang lương: dùng để xác định quan hệ tỷ lệ về tiền lương theo trình độ lành nghề giữa những công nhân cùng nghề hoặc nhóm nghề giống nhau khi họ đảm nhiệm những công việc có mức độ phức tạp khác nhau.
Mỗi thang lương gồm các bậc lương nhất định và các hệ số lương phù hợp với các bậc lương ấy.
Thông thường, số bậc của thang lương và hệ số lương giữa các bậc phụ thuộc vào đặc điểm sản xuất (mức độ phức tạp công việc, trình độ lành nghề công nhân, yếu tố trách nhiệm, điều kiện lao động).
Thang lương theo NĐ 205/2004/NĐ-CP quy định có 21 thang lương, trong đó 13 thang lương có 7 bậc và 8 thang lương có 6 bậc. Thang lương được xác định theo ngành (hoặc nhóm ngành) kinh tế kỹ thuật, trong đó các nghề phải có tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật rõ ràng.