Phải làm gì khi công ty không trả sổ BHXH cho người lao động?

Chủ đề   RSS   
  • #610388 09/04/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 494 lần
    SMod

    Phải làm gì khi công ty không trả sổ BHXH cho người lao động?

    Trường hợp người lao động đã nghỉ việc tại công ty nhưng công ty cố tình giữ lại sổ BHXH thì người lao động phải làm như thế nào? Người lao động có được cấp lại sổ BHXH nếu công ty không chịu trả không?

    Công ty có bắt buộc trả sổ BHXH cho người lao động nghỉ việc không?

    Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật lao động 2019, trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

    - Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:

    + Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

    + Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

    + Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

    + Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.

    - Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.

    - Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:

    + Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

    + Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

    Đồng thời, tại khoản 5 Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội 2014, người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, khi chấm dứt hợp đồng lao động, công ty có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục về bảo hiểm xã hội và phải trả lại bản chính sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

    Công ty không trả sổ BHXH cho người lao động bị phạt thế nào?

    - Theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:

    Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật:

    + Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

    + Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

    + Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

    + Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

    + Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

    Cùng với đó, buộc người sử dụng lao động hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động cho người lao động đối với hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật

    - Theo điểm d khoản 4 Điều 41 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:

    Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

    Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức xử lý hành chính này là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với công ty (tổ chức) mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần.

    Như vậy:

    - Nếu công ty không hoàn tất các thủ tục xác nhận và trả lại cùng sổ BHXH thì sẽ bị phạt 02 lần theo mức tại khoản 2 Điều 12  Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Đồng thời, bị buộc trả lại các giấy tờ trên.

    - Nếu công ty không phối hợp với cơ quan BHXH thực hiện thủ tục và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi người lao động nghỉ việc công ty sẽ bị phạt tiền từ 4-8 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng.

    Người lao động có được cấp lại sổ BHXH nếu công ty không chịu trả không?

    Các trường hợp người lao động được cấp lại sổ BHXH theo quy định tại khoản 31 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH 2020 chỉ bao gồm: Cấp lại sổ BHXH do mất, hỏng, gộp sổ BHXH

    Theo Khoản 2 Điều 29 Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017 quy định thêm trường hợp cấp lại sổ BHXH do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch

    Như vậy, hiện nay pháp luật không quy định cho phép cấp lại sổ BHXH trong trường hợp người lao động bị công ty giữ sổ BHXH.

    Phải làm gì khi công ty không trả sổ BHXH cho người lao động?

    Theo Điều 5 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, nếu công ty không trả sổ BHXH dù người lao động đã nhiều lần yêu cầu giải quyết thì người lao động có thể thực hiện quyền khiếu nại để bảo vệ lợi ích của mình như sau:

    - Trường hợp công ty từ chối giải quyết hoặc người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết của công ty thì căn cứ theo Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động gửi đơn khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi công ty đặt trụ sở để được giải quyết.

    - Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện tại tòa án.

    Như vậy, để lấy lại sổ BHXH, người lao động có thể khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền, nếu không khiếu nại thành công thì người lao động khởi kiện tại toà án.

     
    1613 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    admin (17/05/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận