Sau khi Quốc hội thông qua Hiệp định CPTPP thì đồng nghĩa với việc rất nhiều các quy định pháp luật trong nước cần phải được sửa đổi cho phù hợp với Hiệp định đã ký kết. Tại khuôn khổ bài viết này, mình xin điểm qua một số quy định pháp luật liên quan đến lao động sẽ được sửa đổi trong thời gian tới để các bạn tham khảo.
-
Bãi bỏ Điều 164 Bộ luật lao động 2012
Theo quy định tại Điều 1 Luật trẻ em 2016, thì người dưới 16 tuổi được xem là trẻ em.
Tuy nhiên, Bộ luật lao động 2012 quy định về việc sử dụng người lao động dưới 15 tuổi, điều đó đồng nghĩa với việc pháp luật lao động Việt Nam không cấm việc sử dụng lao động ở độ tuổi trẻ em. Tuy nhiên, tại Điểm c Khoản 1 Điều 19.3 của Hiệp định thì các nước thành viên phải cam kết cấm lao động trẻ em.
Điều đó đồng nghĩa với việc, trong thời gian tới Điều 164 BLLĐ sẽ được sửa đổi, thậm chí là bãi bỏ. Hoặc một trường hợp khác là Luật trẻ em sẽ được điều chỉnh lại về độ tuổi quy định sao cho phù hợp với BLLĐ.
-
Chương 8 BLLĐ 2012 và Luật công đoàn 2012 sẽ được sửa đổi
Tại Điểm a Khoản 1 Điều 19.3 của Hiệp định có quy định việc người lao động của các nước thành viên được quyền “tự do nghiệp đoàn”. Đây là một điều hoàn toàn mới trong lịch sử các quy định pháp luật về Công đoàn ở Việt Nam, vì vậy các quy định về Công đoàn tại BLLĐ, Luật công đoàn chắc chắn sẽ được sửa đổi để phù hợp trong thời gian tới.
-
Chế độ thai sản sẽ được điều chỉnh cho phù hợp
Theo quy định hiện hành thì khi vợ sinh con, người chồng vẫn được hưởng trợ cấp thai sản. Tuy nhiên thời gian hưởng trợ cấp thai sản của người chồng tối đa không quá 14 ngày theo quy định của Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Trong khi đó, tại Điểm d Khoản 1 Điều 19.3 của Hiệp định, thì các nước thành viên không được phân biệt đối xử trong lao động. Vì vậy, rất có thể trong thời gian tới thời gian hưởng trợ cấp thai sản của nam giới cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với quy định của Hiệp định này.