Vừa rồi Bộ Tư Pháp đã họp lấy ý kiến các chuyên gia về việc sửa đổi Bộ luật Dân sư. Tôi cũng phát biểu nhiều vấn đề cần phải sửa đổi trong bộ luật. Tôi xin giới thiệu với các đồng nghiệp một trong các ý kiến của tôi như sau:
#0070c0;">Theo Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS), nếu các bên không có thoả thuận khác, thì lãi suất đối với nợ chậm trả sẽ bằng với lãi suất cơ bản (LSCB), tức mức lãi suất rất thấp, thậm chí còn thấp hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn. Như vậy bên thiếu nợ tội gì phải trả đúng hạn làm chi?!
Thói quen giao dịch dân sự.
Đa phần các giao dịch dân sự trong xã hội được thực hiện theo chử “tín” và nếu có lập thành văn bản thì cũng hiếm khi có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại do chậm thanh toán. Trừ các thương nhân đã từng bị thiệt hại do chậm thanh toán và các ngân hàng chuyên cho vay. Thậm chí có rất nhiều giao dịch dân sự, phải có công chứng chứng nhận như: mua bán nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất …thì biểu mẫu hợp đồng của cơ quan công chứng cũng không tìm thấy điều khoản về “bồi thường thiệt hại do chậm thanh toán” . Mặc dù mẫu này cũng cho các bên tự thỏa thuận, nhưng phần lớn các hợp đồng được chứng nhận trên thực tế đều không có thỏa thuận này.
Luật Dân sự quy định ngược lại thói quen dân sự.
Pháp luật cần phải tạo ra hành lang pháp lý để duy trì các giao dịch dân sự phát triển có lợi cho xã hội, đồng thời cũng quy định những chế tài nhất định cho các hành vi “bội tín”. Thế nhưng trong việc “bồi thường thiệt hại do chậm thanh toán”, BLDS lại quy định: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác” (khoản 2 điều 305 của BLDS). Quy định này áp dụng để xác định thiệt hại cho hầu hết các giao dịch dân sự mà có phát sinh nghĩa vụ chậm trả tiền.
Theo quy định này thì các thói quen trong giao dịch dân dự sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nghĩa là phần thiệt sẽ do chủ nợ gánh chịu mặc dù lỗi phát sinh từ con nợ. Thật vậy, lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước thông thường thấp hơn lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn. Do vậy, người có nghĩa vụ trả tiền thay vì phải trả khi đến hạn, họ lại tìm cách chiếm dụng vốn. Do họ biết rằng số tiền mà họ phải bồi thường thiệt hại do lỗi chậm thanh toán cũng còn thấp hơn so với số tiền lãi mà họ nhận được khi mang số tiền phải trả đi cho vay lại hoặc gửi tiết kiệm có kỳ hạn.
Đối với các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người “bán đất” sẽ còn thiệt hại lớn hơn nhiều khi đất lên giá mà người “mua đất” không chịu trả tiền. Trường hợp này theo quy định của BLDS , thì thiệt hại mà người “mua đất” phải bồi thường cho người “bán đất” cũng chỉ là lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với số tiền và thời gian chậm thanh toán.
Đối với các bản án, quyết định có hiệu lực thi hành của tòa án hiện hành, thường có ghi nhận nội dung “kể từ ngày các đương sự có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người có nghĩa vụ trả tiền vẫn chưa thi hành thì phải chịu thêm tiền lãi đối với số tiền chưa thi hành theo lãi suất cơ bản do ngân hành Nhà nước công bố tại thời điểm thi hành án”. Như đã nói ở trên thì người phải thi hành án không dại gì mà nhanh chóng thi hành án. Đây là một trong những nguyên nhân mà người phải thi hành án trả tiền thường chây ỳ chậm thực hiện nghĩa vụ, đã làm quá tải nhiều cơ quan thi hành án.
Nên sửa luật về vấn đề này.
Nhằm bù đắp thiệt hại của người chủ nợ, cũng như “phạt” lỗi chậm trả của con nợ, theo tôi thì Khoản 2 điều 305 BLDS nên quy định lại là: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo mức gấp ba lần (hoặc nhiều hơn nữa) lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Sở dĩ phải bồi thường theo mức gấp ba lần lãi suất cơ bản là vì khi chủ nợ vay tiền ngân hàng để bù đắp cho số tiền con nợ chậm trả thì lãi suất cho vay của ngân hàng và các chi phí hành chính hiện thời tương đương với hai lần lãi suất cơ bản. Một phần lãi suất cơ bản còn lại có thể xem như con nợ phải trả giá cho lỗi chậm thanh toán của mình.
Chỉ quy định như vậy mới có thể chống lại hành vi chiếm dụng vốn và giảm bớt tranh chấp vì con nợ luôn luôn ý thức rằng mình không trả nợ đúng hạn thì sẽ phải bồi thường thiệt hại một khoảng tiền rất lớn.
Luật sư Huỳnh Văn Nông - Lê Ngọc Thương – www.shlaw.vn
Mong nhận được phản hồi từ các đồng nghiệp.
Cập nhật bởi LawSoft01 vào lúc 03/01/2010 20:57:40
Cập nhật bởi LawSoft02 vào lúc 11/01/2010 20:50:48