Những điều cần biết khi mua nhà đất bằng giấy tờ tay

Chủ đề   RSS   
  • #557876 15/09/2020

    NguyenThanhNgan123

    Female
    Chồi

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:07/09/2020
    Tổng số bài viết (97)
    Số điểm: 1520
    Cảm ơn: 35
    Được cảm ơn 128 lần


    Những điều cần biết khi mua nhà đất bằng giấy tờ tay

    Việc mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay ở nước ta hiện nay vẫn còn rất phổ biến. Giao dịch này mang nhiều rủi ro tiềm ẩn. Sau đây là tổng hợp một số điều cần lưu ý khi mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay:

     

    Mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay

    Mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay - Ảnh minh họa

    Thế nào là mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay

    Nhà đất giấy tay là cách gọi khác của hình thức mua bán do hai bên người bán-người mua tự lập, tự ký với nhau. Giấy tờ này không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền và không đảm bảo tính pháp lý, không được công chứng, chứng thực. Hiện nay, cũng không có văn bản pháp luật nào sử dụng từ “mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay”.

    Lý do nhiều người mua nhà đất bằng giấy tờ viết tay

    Nguyên nhân chủ quan

    Giá bán của nhà đất giấy tờ tay thường thấp hơn nhiều so với thị trường. Chúng có thể rẻ hơn loại đất có sổ đỏ từ nữa giá. Đó là lý do khiến nhiều người bất chấp rủi ro để sở hữu.

    Nhiều trường hợp mua nhà đất do từ họ hàng, bạn bè hoặc người quen. Với mức giá hời, không ít người dễ dàng chấp thuận bỏ tiền túi ra để đặt cọc. Do quá tin tưởng người giới thiệu mà chủ quan trong việc đòi hỏi giấy tờ nhà đất. Một số khác bị người bán khất lần hoặc lẩn tránh giao giấy tờ với đủ loại lý do.

    Hệ quả là việc hoàn thành thủ tục mua bán bị trì hoãn. Người mua chấp nhận mất tiền với loại giao dịch nhà, đất giấy tờ tay không hề đảm bảo.

    Nguyên nhân khách quan

    Rất nhiều người mua nhầm nhà hoặc đất ở giấy tờ tay do bị môi giới lừa đảo. Họ thoả thuận ăn chia với người bán tỷ lệ % lớn trong mỗi giao dịch để đưa người mua nhà dính vào bẫy.

    Khi nào được và không được mua bán bằng giấy tờ viết tay?

    Trước 01/7/2014, được mua bán bằng giấy viết tay

    Theo khoản 1 Điều 82 Nghị định 43/2014/NĐ-CP  được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 54 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, các trường hợp đang sử dụng đất sau đây mà chưa được cấp giấy chứng nhận thì người đang sử dụng đất thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận mà không phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất:

    - Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 01/01/2008;

    - Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ ngày 01/01/2008 đến trước ngày 01/7/2014 mà có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

    Lưu ý:  Tạ điều này cũng quy định cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

    Nhìn chung, đối với trường hợp sử dụng đất do nhận chuyển nhượng trước ngày 01/7/2014 thì khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận không phải nộp hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực. Nghĩa là, dù hợp đồng chuyển nhượng bằng “giấy viết tay” nhưng có chữ ký của các bên thì không phải trả lại quyền sử dụng đất.

    ====> chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy viết tay sẽ không làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất mà được cấp giấy chứng nhận lần đầu.

    Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận lần đầu (sổ đỏ) như sau:

    Chuẩn bị hồ sơ

    Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, gồm các giấy tờ sau:

    - Đơn đăng ký, cấp Sổ đỏ theo Mẫu số 04a/ĐK;

    - Một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

    - Giấy tờ về tài sản gắn liền với đất như giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận công trình xây dựng không phải là nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, chứng nhận quyền sở hữu cây lâu năm.

    Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng, trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng.

    - Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính (như biên lai, chứng từ nộp thuế, lệ phí, tiền sử dụng đất…); giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).

    Trình tự thực hiện

    Căn cứ Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu (cấp mới) được thực hiện theo các bước sau:

    Bước 1: Nộp hồ sơ

    Nơi nộp hồ sơ: Căn cứ Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, nơi nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với hộ gia đình, cá nhân như sau:

    Nộp tại UBND cấp xã nơi có đất (xã, phường, thị trấn).

    Hộ gia đình, cá nhân được quyền nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nếu có nhu cầu.

    Hoặc

    - Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) hoặc bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo quy định của UBND cấp tỉnh (thường là Bộ phận một cửa).

    - Trường hợp địa phương chưa có Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện thì nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.

    Bước 2: Tiếp nhận và xử lý

    - Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

    - Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả và trao Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người nộp hồ sơ.

    Bước 3. Giải quyết yêu cầu

    Trong giai đoạn này cơ quan Nhà nước thực hiện nhiều nhiệm vụ để đăng ký, cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, hộ gia đình, cá nhân chỉ biết việc quan trọng nhất là nhận thông báo thực hiện nghĩa vụ tài chính của cơ quan thuế (nếu thuộc đối tượng phải nộp) và nộp tiền theo đúng số tiền và đúng hạn như trên thông báo.

    Bước 4. Trả kết quả

    - Cơ quan đăng ký đất đai trao giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân có yêu cầu hoặc gửi UBND cấp xã để trao trong trường hợp nộp hồ sơ tại xã.

    - Giấy chứng nhận và giấy tờ về quyền sử dụng đất được trao cho người dân trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết.

    Thời hạn giải quyết

    Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời hạn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu được quy định như sau:

    - Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 40 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

    - Thời gian giải quyết không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

    Từ 01/7/2014, không được mua bán bằng giấy viết tay

    Điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định: Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản.

    Theo khoản 1 Điều 211 Luật Đất đai 2013 thì Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01/7/2014.

    Căn cứ vào quy định trên, từ ngày 01/7/2014 đến nay, khi chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải lập hợp đồng và được công chứng hoặc chứng thực, nếu không công chứng hoặc chứng thực thì hợp đồng vô hiệu (hợp đồng không có hiệu lực).

    Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:

    “Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

    1…

    2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực”.

    Theo đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (chỉ có đất), hợp đồng chuyển nhượng nhà đất không công chứng hoặc chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong hợp đồng thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng đó.

    Kết luận: Chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng “giấy viết tay” từ ngày 01/7/2014 đến nay thì không được sang tên và phải trả lại đất nếu bị tuyên vô hiệu. Hợp đồng chuyển nhượng trước 01/7/2014 không có công chứng hoặc chứng thực thì vẫn được cấp Giấy chứng nhận lần đầu nếu có đủ điều kiện (không phải trả lại đất).

    Cập nhật bởi NguyenThanhNgan123 ngày 16/09/2020 08:35:58 SA
     
    6844 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn NguyenThanhNgan123 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (16/09/2020) hoamattroi9297 (15/09/2020)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #579904   29/01/2022

    Những điều cần biết khi mua nhà đất bằng giấy tờ tay

    Trên thực tế, hiện còn rất nhiều trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy viết tay không nắm được các quy định mới nhất của pháp luật. Như vậy, rất nguy hiểm đối với trường hợp phát sinh những vấn đề pháp sau này. Bài viết đã cung cấp thông tin rất bổ ích, cảm ơn bạn nhiều. 

     
    Báo quản trị |