Người lao động thử việc có bắt buộc tiếp tục làm việc sau khi thử việc hay không?

Chủ đề   RSS   
  • #601738 12/04/2023

    Người lao động thử việc có bắt buộc tiếp tục làm việc sau khi thử việc hay không?

    Công ty tôi định ký hợp đồng thử việc với nhân viên trong thời gian 50 ngày được không? Tôi có được ghi trong hợp đồng là nhân viên sau khi thử việc cam kết sẽ tiếp tục làm việc hay không? Hoàng Oanh (Đà Nẵng)

     

    Thời gian thử việc theo quy định của pháp luật

    Theo Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời gian thử việc như sau:

    "Điều 25. Thời gian thử việc

    Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

    1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

    2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

    3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

    4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác."

    Như vậy pháp luật hiện hành không quy định số ngày cụ thể về thời gian thử việc mà căn cứ vào tình hình thực tế, mức độ, tính chất phức tạp của công việc mà người sử dụng lao động và người lao động thử việc thỏa thuận với nhau nhưng cần đảm bảo đáp ứng điều kiện về thời gian tại Điều 25 nêu trên.

    Do đó, trường hợp công ty muốn ký với người lao động thử việc hợp đồng thử việc thời hạn 50 ngày vẫn được pháp luật cho phép. Tuy nhiên chỉ áp dụng đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên, công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

     

    Sau khi thử việc người lao động có bắt buộc phải tiếp tục làm không?

     

    Quyền làm việc là quyền của công dân, quyền này đã được Hiến Pháp 2013 và Bộ luật Lao động 2019 ghi nhận, cụ thể như sau:

     

    Tại Điều 35 Hiến pháp năm 2013 quy định:

    “1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.

    2. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi.  

    3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.”

     

    Tại Điều 10 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

    “Điều 10. Quyền làm việc của người lao động

    1. Được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm.

    2. Trực tiếp liên hệ với người sử dụng lao động hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để tìm kiếm việc làm theo nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khỏe của mình.”

     

    Như vậy có thể thấy pháp luật hiện hành đã có những quy định bảo vệ về quyền tự do chọn việc làm của người lao động. Do đó người sử dụng lao động không được bắt buộc, ép buộc người lao động thử việc phải tiếp tục làm việc sau khi đã hoàn thành xong hợp đồng thử việc.

     

    Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về kết thúc thời gian thử việc như sau:

    “Điều 27 Kết thúc thời gian thử việc

    1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.

    Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.

    Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

    2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.”

     

    Như vậy, sau khi kết thúc thời gian thử việc nếu người lao động đạt yêu cầu thì hai bên tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết trước đó ( trong hợp đồng lao động có thỏa thuận về thử việc) hoặc giao kết hợp đồng lao động mới trong trường hợp giao kết hợp đồng thử việc. Nếu người lao động không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

     

    Nếu người lao động đạt yêu cầu làm việc nhưng sau khi kết thúc thời gian thử việc mà công ty không giao kết hợp đồng thì công ty có bị xử phạt hay không?

     

    Căn cứ Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP theo quy định như sau:

    “Điều 10. Vi phạm quy định về thử việc

    1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

    a) Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng;

    b) Không thông báo kết quả thử việc cho người lao động theo quy định.

    2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

    a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;

    b) Thử việc quá thời gian quy định;

    c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;

    d) Không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp hai bên có giao kết hợp đồng thử việc.

    3. Biện pháp khắc phục hậu quả

    a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a, b, c khoản 2 Điều này;

    b) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.”

     

    Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:

     

    “Điều 6. Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần

    1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân."

     

    Như vậy, nếu người lao động đạt yêu cầu sau khi kết thúc thời gian thử việc mà công ty không giao kết hợp đồng thì công ty đã có hành vi vi phạm về quy định thử việc sẽ bị xử phạt từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc công ty phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

     
     
    471 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn lebuuyenulaw@gmail.com vì bài viết hữu ích
    admin (14/04/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận