Chào bạn!
Trước hết cần phải khẳng định việc bỏ đi của bạn không phải là hành vi vi phạm pháp luật, bởi đó không phải là hành vi "bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm". Việc người gây ai nạn giao thông tránh mặt khỏi hiện trường trong một thời gian nhất định do quá hoảng loạn, do sợ bị thân nhân người bị nạn trả thù, sợ bị những người chứng kiến bị kích động mà có thể xâm phạm đến thân thể của mình… được pháp luật cho phép.
Về các câu hỏi của bạn:
1. Bạn rẽ trái, có xi nhan, đi đúng phần đường. Anh ta đi ngược chiều, va vào bên trái xe bạn tức là đã đi không đúng phần đường. Bị ngã trượt dài 20m, nếu được giám định thì với độ trượt đó, chắc chắn anh ta vi phạm tốc độ. Như vậy anh ta đã phạm vào khoản 11 điều 8, khoản 1 điều 9, khoản 1 điều 12 Luật GTĐB năm 2008. Ngã tư đó không có vòng xuyến chứ gì, anh ta còn phạm vào khoản 1 điều 24 (không nhường đường cho xe đi đến từ bên phải). Nhưng như vậy cũng không có nghĩa là bạn không vi phạm pháp luật và không có lỗi. Bạn rẽ trái phải đi tốc độ chậm nhưng đã ngay lập tức bị đâm, điều đó chứng tỏ bạn thiếu quan sát khi cho xe chuyển hướng. Bạn đã phạm vào khoản 2 điều 15 với lỗi vô ý là không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra. Cả hai người còn vi phạm khoản 3 điều 5 quyết định số 05/2007/QĐ-BGTVT ngày 02/02/2007 "không giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép đén mức không nguy hiểm (có thể dừng lại một cách an toàn) khi qua nơi đường bộ giao nhau". Do đó, bạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình theo quy định tại điều 617 BLDS. Pháp luật hiện hành cũng như muôn đời sau không thể đưa ra được một công thức nào để xác định mức độ lỗi của các bên khi có thiệt hại xảy ra mà hoàn toàn phụ thuộc vào nhận định của người thực thi pháp luật. Trong thực tiễn, với trường hợp cụ thể trên thì mức độ lỗi của bạn có thể xác định từ 10 đến 20%. Tức là nếu thiệt hại toàn bộ (chứ không phải riêng chi phí chữa bệnh) của anh ta là 10tr đồng, thì bạn phải bồi thường từ 1 đến 2tr đồng.
2. Về nguyên tắc, nếu vụ việc được đưa ra giải quyết bằng con đường pháp luật, thì thiệt hại trong trường hợp này được xác định theo Nghị quyết số 03/2006/HĐ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao gồm các khoản sau:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của anh ta gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ cho anh ta theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho anh ta(nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của anh ta (nếu có).
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của anh ta (kể cả thời gian điều trị ngoại trú nếu trong thời gian đó anh ta làm được việc gì).
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc anh ta trong thời gian điều trị (kể việc chăm sóc trong thời gian điều trị ngoại trú) bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí (nếu có) cho một trong những người chăm sóc cho anh ta trong thời gian điều trị do cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ sở y tế; thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc anh ta trong thời gian điều trị.
- Trong trường hợp sau khi điều trị, anh ta mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc anh ta bao gồm: chi phí hợp lý hàng tháng cho việc nuôi dưỡng, điều trị anh ta và chi phí hợp lý cho một người thường xuyên chăm sóc anh ta được tính bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi anh ta cư trú.
- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm cho anh ta do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Như vậy, nếu toàn bộ các thiệt hại trên được tính toán là 30tr thì bạn phải bồi thường cho anh ta từ 3tr đến 6tr đồng. Ở đây anh ta chỉ yêu cầu chi phí chữa bệnh (tức là khoản đầu tiền ở trên) thì theo tôi, bạn nên cố gắng để đạt được sự thỏa thuận nhằm tránh phiền phức. "Vô phúc phải đáo tụng đình" mà bạn. Nhưng đòi hỏi "cưa đôi" thì hơi quá đáng. Anh ta còn quá may mắn khi không gây ra thương vong gì cho bạn.
3. Việc Công an không nhắc gì đến việc đúng sai và nói hai bên thỏ thuận trước đã không có gì là trái pháp luật cả bạn à. Mà nói đúng ra là nó chẳng dính dáng gì đến pháp luật. Bởi nguyên tắc tự nguyện phải được tôn trọng khi hai bên thỏa thuận với nhau. Và khi đã ngồi lại với nhau để thỏa thuận là chúng ta đã chấp nhận giải quyết với nhau bằng con đường tình cảm. Mà đã gọi là tình cảm thì việc đúng sai không cần phải đặt ra.
- Nếu không thỏa thuận được và anh ta có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì phải làm đơn gửi Toà án. Và việc của Công an phải làm là hoàn tất hồ sơ, ra kết luận điều tra, quyết định không khởi tố vụ án hình sự (tức là bạn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì bạn không có lỗi), ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với cả hai người, trả lại xe cho cả hai người. Cung cấp trực tiếp cho anh ta hoặc cung cấp cho Toà án những tài liệu cần thiết để Toà án thụ lý giải quyết vụ án yêu cầu bôì thường thiệt hại ngoài hợp đồng và trách nhiệm của bạn là như tôi đã nói ở hai phần trên. Tôi nói bạn không có lỗi ở đây có thể làm bạn khó hiểu, có vẻ như mâu thuẫn với phần 1. ở trên nhưng thực chất không phải vậy. Ở trên tôi nói bạn có lỗi là lỗi vi phạm hành chính và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Còn ở đây là lỗi trong trách nhiệm hình sự. Nó hoàn toàn khác nhau.
- Công an ghi lỗi bạn đi quá tốc độ cho phép có vẻ không khác quan lắm nhỉ? Bởi bạn qua ngã tư rẽ trái làm sao chạy nhanh được vậy. Nhưng điều này thì… tôi không chắc lắm đâu nha.
4. Thời gian giải quyết của Công an? Có phải bạn muốn hỏi thời gian Công an trả lại xe cho bạn? Nếu đúng vậy thì nó chẳng có quy định cụ thể nào cả mà chỉ quy định chung chung là khi thấy khong cần thiết phải tạm giữ phương tiện để phục vụ cho việc xử lý vụ việc nữa.
Trân trọng!
Hãy làm tất cả những gì trong phạm vi cho phép và khả năng có thể!