Trong quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động (NSD) và người lao động (NLĐ), vấn đề chấm dứt hợp đồng lao động diễn ra rất phổ biến. Trong rất nhiều trường hợp, NSD đã yêu cầu NLĐ bàn giao công việc trước khi nghỉ nhưng NLĐ không thực hiện. Trong những trường hợp này, pháp luật lao động có bảo vệ người lao động hay không?
Căn cứ theo Bộ luật lao động 2012, thì khi chấm dứt hợp đồng lao động, NLĐ chỉ có nghĩa vụ báo trước theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 37.
Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;
đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;
e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;
g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.
2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:
a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;
b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;
c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
|
Còn các nghĩa vụ khác thì không được quy định. Điều đó đồng nghĩa là nếu NLĐ không chịu bàn giao trước khi nghỉ việc thì NSD cũng không thể có căn cứ pháp lý nào để buộc NLĐ bàn giao hoặc bồi thường nếu có thiệt hại.
Vậy NSD phải làm cách nào để tự bảo vệ mình?
Cách duy nhất để NSD tránh gặp phải trường hợp này, đó là quy định nghĩa vụ bàn giao ngay tại Hợp đồng lao động. Đồng thời NSD nên quy định cả chế tài khi NLĐ không thực hiện nghĩa vụ này. Chế tài có thể là không thanh toán những khoản lương NSD chưa thanh toán cho NLĐ. Nhưng tuyệt đối không được giữ sổ bảo hiểm của NLĐ vì hành vi đó trái với quy định tại khoản 3 Điều 47 Bộ luật lao động.
Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động
[...]3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
|
NLĐ có nên bàn giao công việc trước khi nghỉ việc?
Theo mình, dù NLĐ làm công việc gì thì cũng nên đề nghị bàn giao lại công việc cho NSD trước khi nghỉ việc. Việc làm này chủ yếu mang tính đạo đức nghề nghiệp, cũng giúp NLĐ để lại một ấn tượng tốt đối với NSD. Vì biết đâu NLĐ sẽ gặp lại NSD trong một trường hợp nào đó.