Luật Luật sư 2006 quy định rằng hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hầu hết các luật sư hành nghề theo tiêu chí, chức năng này và họ ngày càng khẳng định mình trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, góp phần xây dựng đội ngũ luật sư cả nước không ngừng lớn về số lượng và mạnh về chất lượng.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Quốc hội ban hành Luật Luật sư năm 2006, số lượng luật sư tăng lên mạnh về số lượng đồng thời chất lượng cũng dần được hoàn thiện phù hợp với thời kỳ đổi mới cũng như hội nhập quốc tế. Nhiều luật sư đã tham gia các vụ án trong khu vực và trên thế giới, điển hình như các vụ án về bán phá giá tôm và cá basa; nhiều vụ án có luật sư tham gia đã được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ và đảm bảo quyền lợi cho người dân, tổ chức; không ít các vụ án hình sự bị cáo được giảm nhẹ tội, chuyển tội danh, thậm chí được tuyên không có tội. Liên đoàn luật sư Việt Nam đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư, Đoàn luật sư là thành viên của Liên đoàn; hiện nay cả nước hầu hết các tỉnh đều có Đoàn luật sư với trên 5000 luật sư, hơn 2000 Người tập sự hành nghề luật sư nhưng con số này còn rất nhỏ so với tỷ lệ dân số, ở nước ta là 1 luật sư/hơn 17000 người dân, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 1/1.526, Singapo là 1/1000, Mỹ là 1/250. Hơn nữa số lượng luật sư lại phát triển không đồng đều, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, với chiến lược phát triển luật sư trong những năm tiếp theo của đất nước, tiếp tục thực hiện công cuộc cải cách tư pháp mà Đảng và nhà nước đã đề ra góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; luật sư và nghề luật sư đang được phát triển mạnh mẽ, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, chức năng to lớn của mình đối với xã hội. Điểm qua một vài vụ án có sự tham gia của luật sư sẽ thấy rõ điều này.
Nguyên bị cáo Lê Thị Tứ, sinh năm 1962, trú tại Khu Hồng Trung, thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng được giao làm Thủ quỹ Xí nghiệp sắt Phê rô của Công ty khoáng sản 1, thuộc Tổng công ty khoáng sản Việt Nam tọa lạc tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Trước khi được phân công làm thủ quỹ, Lê Thị Tứ có nhân thân tốt, là một công nhân của xí nghiệp hiền lành, chăm chỉ lại là một Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam nhưng chuyên môn lại hạn chế. Trong thời gian bị cáo nghỉ phép đã xẩy ra việc két s��t bị cáo quản lý bị cậy phá và tiền trong két bị mất. Sau khi sự việc xảy ra, ban đầu cơ quan công an huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng xác định đây là một vụ trộm cắp và khởi tố vụ án Trộm cắp tài sản. Quá trình điều tra không xác định được thủ phạm và bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, với suy diễn bị cáo Tứ là thủ quỹ, làm mất tiền nên phải chịu tội. Với suy diễn này, các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Cao Bằng thay đổi quyết định khởi tố và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với tội Tham ô tài sản đối với bị cáo Lê Thị Tứ, đồng thời điều tra, xét xử theo lộ trình tội này. Ngày 25.8.2003, Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng đưa ra xét xử vụ án hình sự Tham ô tài sản đối với bị cáo Lê Thị Tứ, tuyên bị cáo Tứ phạm tội Tham ô tài sản và xử phạt 8 năm tù trước sự kêu oan không ngớt của bị cáo trong suốt quá trình giải quyết vụ án cũng như trước sự ngỡ ngàng, nghi ngờ của những người tham dự phiên tòa cũng như biết về sự việc. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo tiếp tục kêu oan đến các cơ quan có thẩm quyền đồng thời kháng cáo bản án sơ thẩm số
114/HS-ST ngày 25.8.2003 của Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng đề nghị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại theo trình tự phúc thẩm. Trước việc giải quyết vụ án một cách phiến diện của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Cao Bằng, với sự đấu tranh, bào chữa, bảo vệ của tác giả trên nhiều lĩnh vực và ở vai trò là luật sư tham gia trong phiên tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại toàn bộ vụ án theo trình tự phúc thẩm đối với bị cáo Lê Thị Tứ. Là luật sư bào chữa cho bị cáo Tứ, bảo vệ quyền con người cho bị cáo trước các cơ quan tiến hành tố tụng; khắc phục những thiếu xót, sai lầm của các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm sau khi nghe đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ quyền công tố đã xác định bị cáo Tứ không phạm tội Tham ô tài sản như cấp sơ thẩm đã tuyên, quyết định chuyển tội danh tuyên bị cáo Tứ phạm tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và tuyên phạt 2 năm tù. Vụ án này tạm thời khép lại song qua việc đấu tranh, bào chữa cho bị cáo Tứ và bảo vệ quyền con người cho bị cáo trước các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước, tác giả với vai trò là luật sư đã bảo vệ một cách hữu hiệu cho bị cáo Tứ trong quan hệ không cân sức với các cơ quan quyền lực nhà nước.
Trong vụ án khác, cũng với tư cách là luật sư tham gia bảo vệ cho bị hại trong vụ án Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người tại tỉnh Bắc Ninh; tác giả đã thành công trong việc giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xác định đúng tội danh, xem xét vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ và xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Gia đình bị cáo Nguyễn Văn Huy và anh Nguyễn Văn Tiến (có vợ là chị Cao Thị Thoan) đều ở Phố Mới, thôn Văn Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Khoảng 10g30 phút ngày 04.5.2007, Huy vừa ngủ dậy thì vợ Huy là chị Hoàng Thị Hài nói cho biết: Chị Cao Thị Thoan bảo hai thằng con nhà mình “mất dạy, bảo mở cổng không mở, mua xăng đốt chết mẹ nó đi”. Nghe thấy vợ nói như vậy, Huy liền vào gầm cầu thang nơi để can đựng xăng chạy máy phát điện của gia đình, xách một can nhựa loại 5 lít trong đựng xăng đi sang nhà chị Cao Thị Thoan. Lúc này trời có mưa và gió bắc. Chị Thoan đang ngồi ăn cơm tại phòng ăn cùng hai con. Bà Nguyễn Thị Mứt (mẹ chồng chị Thoan) đang đứng cạnh chậu rửa ở bếp trong phòng ăn. Thấy chồng xách can xăng đang cãi nhau với chị Thoan, chị Hoàng Thị Hài (vợ Huy) chạy vào nhà giằng can xăng và đẩy Huy về. Vợ chồng Huy đi ra, vừa đi vừa cãi nhau với chị Thoan, Bà Mứt và chị Thoan cũng đi ra sau. Khi ra ngoài cửa đứng ở lề đường trước nhà, bà Mứt và chị Thoan đứng ở cửa lán trước nhà. Lúc này Huy và chị Thoan vẫn cãi nhau. Do bực tức chị Thoan nên Huy đã giằng can xăng từ tay chị Hài đang cầm chạy lên sân ở cửa lán vứt can xăng về phía chị Thoan, chị Thoan tránh được làm xăng đổ ra nền và sân lán, bắn cả vào người bà Mứt đứng cạnh đồng thời bắn vào bếp than tổ ong đang đun nước để cạnh trong cửa lán, xăng bắt lửa bốc cháy. Bà Mứt bị xăng bắt lửa bốc cháy, chị Thoan và bà Mứt bị thương. Do vết bỏng quá nặng, bà Mứt đã tử vong ngày 10.5.2007. Trên cơ sở điều tra, Viện kiểm sát nhân dân huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ra Cáo trạng số
35/CT- VKS ngày 29.10.2007 truy tố bị can Nguyễn Văn Huy để xét xử về tội Vô ý làm chết người theo Khoản 1- Điều 98- Bộ luật Hình sự. Với nhận định bị can Huy không thể phạm tội với lỗi vô y như truy tố, là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại, tác giả đã đấu tranh đề nghị Viện kiểm sát trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra, điều tra bổ sung theo hướng bị can Huy có hành vi phạm tội với lỗi cố ý bởi bị can Huy đã mang xăng là chất dễ cháy nổ sang nhà chị Thoan gây lộn rồi trong lúc bực tức đã ném can xăng về phía người bị hại. Huy hoàn toàn có thể nhận thức xăng là chất dễ gây cháy nổ, nếu không gây cháy và gây ra hậu quả rất nghiêm trọng làm bà Mứt chết thì cũng có thể làm xăng bắn vào mắt, vào người bị bỏng hoặc gây thương tích. Hành vi này là hoàn toàn cố ý. Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thuận Thành đã trả hồ sơ cho công an huyện Thuận Thành điều tra bổ sung, theo yêu cầu của luật sư đề nghị cho thực nghiệm điều tra và một số hoạt động tố tụng khác. Với tinh thần đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (người bị hại) và mục đích cuối cùng là hướng tới con người, vì con người, đảm bảo cho hoạt động tố tụng diễn ra một cách nghiêm minh đúng pháp luật. Thật gay cấn, cuối cùng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố bị can Huy hành vi Vô ý làm chết người theo Khoản 1- Điều 98- Bộ luật Hình sự. Ngày 15.01.2008, Tòa án nhân dân huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa công khai xét xử đối với bị cáo Nguyễn Văn Huy theo tội danh mà Viện Kiểm sát đã truy tố. Tuy nhiên với tinh thần đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại trong tố tụng hình sự, luật sư đã bảo vệ thành công trong vụ án này và Tòa án nhân dân huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã chấp nhận lời đề nghị của luật sư ra quyết định trả hồ sơ điều tra theo hướng tội Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo Khoản 3- Điều 104- Bộ luật Hình sự. Sau này các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Bắc Ninh đã truy tố và xét xử bị cáo Huy theo đề nghị trong quyết định này của Tòa án nhân dân huyện Thuận Thành.
Qua đó cho thấy luật sư với vai trò bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự không những bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa của bị can, bị cáo, các đương sự khác mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sửa chữa những thiếu xót, làm rõ sự thật; điều tra, truy tố và xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Luật sư Nguyên - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội (sưu tầm)
Cập nhật bởi LUATSUNGUYEN ngày 08/10/2011 02:35:53 CH
Cập nhật bởi LUATSUNGUYEN ngày 08/10/2011 02:35:34 CH
Luật sư: NGUYỄN VĂN NGUYÊN
CÔNG TY LUẬT HƯNG NGUYÊN - ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
http://dichvutuvanluat.com - http://dichvuluatsu247.com
Hotline: 0987.756.263/0947.347.268
ĐT: 04.8585 7869