Hôm nay, ngày 10/11/2012 Hoài tôi đọc báo mới nhớ, thì ra đây là ngày Nghị định 71/2012/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực. Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, theo đó, Nghị định mới đã nâng mức phạt lên nhiều lần đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, điều chỉnh các vấn đề "bất hợp lý" trong quá trình xử phạt hành vi vi phạm.
Một trong những điểm mới của Nghị định mà được 3 cơ quan là cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định và cơ quan ký thông qua hết sức nhất trí với nhau là: "Tăng mức phạt đối với với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định". Cụ thể, tại điểm a Khoản 1 Điều 33 NĐ số 34/2010/NĐ-CP quy định chủ phương tiện xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu theo quy định sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. NĐ 71/2012/NĐ-CP tăng mức xử phạt đối với hành vi là từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng.
Điểm mới này đã tạo nên chủ đề nóng trên các diễn đàn mạng trong mấy ngày hôm nay và cái tên Đinh La Thăng một lần nữa trở nên hot. Hoài tôi search thử cái tên Bộ trưởng ĐINH LA THĂNG trên GOOGLE lúc 14h50 ngày hôm nay (10/11/2012) thì chỉ trong vòng 0.13 giây GOOGLE cho ra đến gần 1,8 triệu kết quả.
Đã có hẳn 1 bức thư của một bạn đăng trên Lưu bút Học trò với những tâm tình hết sức tha thiết nhắn gửi bác Bộ trưởng rằng là "...quyết định của bác đưa ra chỉ có thể thực hiện với những người có xe riêng như bác, có chức có quyền như bác, có tiếng nói như bác, còn dân thực hiện ra sao là việc của dân, dân sai ý kiến bác thì có cảnh sát giao thông xử lý..." (https://www.facebook.com/LuuButHocTro)
Ca sỹ Mỹ Linh, một diva của làng nhạc Việt cũng đã lên tiếng bình luận rằng "Ông xã mình vừa nói câu hay: “ Ồ thế chả nhẽ giờ không ai được cho nhau mượn xe à ?”, Con đi xe của bố mẹ thì cũng không được à? Bác Thăng quả là người lắm sáng kiến. Bác mà là công nhân chắc phải được anh hùng lao động thời kỳ đổi mới!" (http://m.ngoisao.vn/hau-truong/chuyen-lang-sao/phat-xe-khong-chinh-chu-my-linh-lai-gui-tam-tinh-den-bo-truong-thang-86494.html)
Quy định xử phạt đối với hành vi không thực hiện chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định đã được quy định cách đây 9 năm, cụ thể là tại các Nghị định: NĐ 146/2007/NĐ-CP, NĐ 152/2005/NĐ-CP, NĐ 15/2003/NĐ-CP. Nhưng tại vì sao, đến giờ, cái quy định này lại là đề tài hot và làm cho Bác Bộ trưởng lên Top đến thế . Quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng nghĩ rằng, nó hot bởi các lý do sau:
Thứ nhất, nhiều người chưa đọc thật kỹ các Nghị định trước đây của Chính phủ về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông (NĐ 146/2007/NĐ-CP, NĐ 152/2005/NĐ-CP, NĐ 15/2003/NĐ-CP) và không biết rằng các Nghị định đó đều đã quy định chế tài xử phạt đối với “hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” nên đến khi Nghị định mới này chính thức có hiệu lực đã có bình luận đại loại "Vậy giờ mượn xe bạn đi ra ngoài 5, 10 phút gì đấy cũng phải sang tên đổi chủ à? Bố mẹ cho con mượn xe đi học đại học cũng phải sang tên xe à?..." . Nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông ra đời sớm nhất là Nghị định 15/2003/NĐ-CP đã quy định chế tài xử phạt đối với “hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”. Như vậy, nếu theo cách hiểu của một số người như trên thì hành vi điều khiển phương tiện của người khác tham gia giao thông có thể đã bị xử phạt cách đây 9 năm rồi chứ không phải chờ đến giờ mới bị xử lý.
Thứ hai, Khoản 8 Điều 1 Nghị định 71/2012/NĐ – CP sửa đổi Điều 33 Nghị định số 34/2010/NĐ-CP xác quy định đối tượng bị xử phạt là chủ phương tiện. Quy định đối tượng bị xử phạt như vậy, tôi cho rằng là chưa thực sự hợp lý. Bởi lẽ, dưới góc độ pháp lý, chủ phương tiện tức là người đứng tên hợp pháp trong giấy đăng ký phương tiện. Trong khi đó, người bị xử phạt về hành vi này đa phần không phải là chủ phương tiện. Ví dụ, A là chủ sở hữu hợp pháp của phương tiện và đã bán (tặng cho, đổi, di chúc…) phương tiện này lại cho B nhưng B chưa hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu. Như vậy, chỉ có B mới là người thường xuyên vi phạm quy định “không chuyển quyền sở hữu theo quy định”. Vậy, ai là đối tượng bị xử phạt, ai là người nộp phạt. Các Nghị định trước đây ra đời đã không có bất kỳ một văn bản nào hướng dẫn về vấn đề này. Thực tế, người nào đang điều khiển phương tiện (B) sẽ là người bị xử phạt và nộp phạt chứ không phải là chủ phương tiện (A).
Nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông ra đời sớm nhất là Nghị định 15/2003/NĐ-CP đã quy định chế tài xử phạt đối với hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”. Theo Nghị định này thì đối tượng bị xử phạt là người điều khiển phương tiện. Không hiểu vì lý do gì mà các Nghị định sau mà mới nhất là Nghị định 71/2012/NĐ-CP đã thay đổi đối tượng xử phạt thành chủ phương tiện.
Thứ ba, Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định về vấn đề này quá chung chung. Thế nào là hành vi “ không chuyển quyền sở hữu theo quy định”. Tôi nghĩ, chính do cách quy định quá chung chung theo tiền lệ như thế này (từ khi Nghị định 15/2003/NĐ-CP ra đời đến nay) mà số lượng quyết định xử phạt hành chính về hành vi này từ trước đến nay không cao dù rằng số lượng người vi phạm rất nhiều. Do vậy, cơ quan hữu quan cần ban hành các văn bản hướng dẫn về vấn đề này theo hướng là các trường hợp phải “chuyển quyền sở hữu theo quy định” là các trường hợp mà bản chất của giao dịch là chuyển giao quyền sở hữu (mua bán, tặng cho, được hưởng thừa kế, trao đổi…) để người dân chúng tôi mỗi lần mượn phương tiện người khác sử dụng không phải thấp thỏm lo bị xử phạt.
Thứ tư, mức tiền phạt được quy định trong Nghị định sửa đổi, bổ sung là quá cao, tăng hơn 6 lần so với quy định ở Nghị định được sửa đổi, bổ sung (từ mức 100.000 đồng đến 200.000 đồng tăng lên 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng). Chính điều này là cho nhiều người choáng, bởi lẽ, lượng xe bị vi phạm quy định này hiện tại là rất cao. Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng, nên có văn bản hướng dẫn theo hướng là sẽ dành ra 1 khoảng thời gian hợp lý (khoảng 6 tháng đến 1 năm) không xử lý vi phạm về hành vi này để những người đang sử dụng xe thuộc diện nói trên làm thủ tục chuyển quyền sở hữu theo quy định. Đây là điều có thể chấp nhận. Trong lịch sử ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan hữu quan đã không ít lần ban hành các văn bản tương tự với nội dung mà tôi đề xuất. Điển hình là Nghị quyết 35/2000/QH10 Quốc hội về thi hành Luật Hôn nhân gia đình năm 2000, Thông tư liên tịch số 01/2001/ TANDTC – VKSNDTC - BTP quy định về việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 trở đi đến trước ngày 01/01/2001, đủ điều kiện kết hôn nhưng chưa đăng ký kết hôn. Theo đó, những đối tượng rơi vào trường hợp này được pháp luật dành ra một khoảng thời gian là 2 năm để đăng ký kết hôn (01/01/2001 đến 01/01/2003). Hết thời hạn đó mà họ không làm thủ tục đăng ký kết hôn thì họ không được công nhận là vợ chồng.
Trên đây là một vài quan điểm cá nhân của tôi về quy định tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP liên quan đến hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”. Dù dư luận có nhiều ý kiến trái chiều nhưng mà tôi cũng xin chúc mừng Bộ trưởng Đinh La Thăng và Bộ Giao Thông Vận Tải đã lại một lần nữa trở thành chủ đề nóng được nhiều người quan tâm. Đây cũng có thể là cơ hội tốt để các đồng chí lãnh đạo thâu nhận ý kiến đóng góp của nhân dân, nhiều khả năng là có rất nhiều ý kiến đóng góp hơn cho các đồng chí so với giai đoạn mà các đồng chí lấy ý kiến nhân dân cho dự thảo Nghị định 71/2012/NĐ-CP.
Mọi người nếu có quan điểm trái với quy định của Nghị định thì cũng đừng nên quá nặng lời với Bộ trưởng Đinh La Thăng mà hãy đóng góp ý kiến trên quan điểm hết sức xây dựng đến Chín phủ bởi vì suy cho cùng người ký Nghị định là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cơ mà!
Chuyên viên pháp lý: Hoàng Đức Hoài
Hotline: 0906 311 132 hoặc 0973 329 117
Email: duchoaionline@gmail.com
Trang: http://www.thuaphatlai24h.com.vn/
https://www.facebook.com/vanphongthuaphatlai
Công tác tại Văn phòng Thừa Phát Lại Quận Thủ Đức