Vừa qua, tại thủ đô Washington D.C, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Penny Pritzker và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, chấm dứt điều tra 12 vụ tranh chấp thương mại với Việt Nam; trong đó có 4 vụ điều tra cả trợ cấp và chống bán phá giá, nhất là đối với tôm và cá tra; khẳng định Việt Nam không bán phá giá và không trợ cấp cho những mặt hàng này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Penny Pritzker. Ảnh: Đức Tám/TTXVN.
Đề nghị như thế nhưng thực tế sẽ ra sao?
Hoa Kỳ có thể chấm dứt điều tra 12 vụ tranh chấp thương mại với Việt Nam để gắn kết hai nền kinh tế với nhau, còn việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường dường như là điều không thể nếu Hiến pháp Việt Nam không chỉnh sửa để tương thích với xu thế toàn cầu hóa.
Điều 15 Hiến pháp (sửa đổi) quy định: “Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Thực sự đến thời điểm này không một ai hiểu đầy đủ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì mà chỉ mường tượng: đó là nền kinh tế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Rõ ràng, ý nghĩa của điều 15 là vô cùng to lớn thể hiện được bản chất của nhà nước ta là một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Song dưới góc nhìn toàn cầu hóa, các nền kinh tế xích lại gần nhau và trở nên phẳng hơn thì cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” sẽ gây bất lợi cho kinh tế nước nhà.
Chúng ta chưa hiểu đầy đủ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì thì các nước bạn (trong đó có Hoa Kỳ) cũng không thể hiểu nó là gì. Mà một khi họ không hiểu thì họ sẽ cho rằng đó là nền kinh tế phi thị trường. Vậy là, đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vẫn nằm ở sự đề nghị phía Việt Nam và lời hứa sẽ xem xét của Hoa Kỳ.
Giải pháp nào để Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường?
Như chúng ta đã biết, các nền kinh tế đang xích lại gần nhau hơn, bởi vậy từng nền kinh tế phải làm mới mình nhằm tương thích với sân chơi chung toàn cầu chứ không phải buộc sân chơi chung theo mình. Việt Nam từ chỗ khép mình đã hội nhập ASEAN, APEC, WTO … tại sao chúng ta không làm được điều để thế giới công nhận là nền kinh tế thị trường.
Vấn đề nằm ở chỗ pháp luật nước nhà chưa tương thích với thế giới, bởi vậy nên chỉnh sửa điều 15 của Hiến pháp (đạo luật có giá trị cao nhất) bằng việc bỏ cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Có như vậy thế giới mới tin tưởng và công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Khi đó, sẽ không còn cảnh kiện oan Việt Nam bán phá giá hay trợ cấp.
Điều 15. Nhà nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng.
|
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 28/09/2013 09:31:22 SA