1. Mẹ tròn con vuông là gì?
"Mẹ tròn, con vuông" hay được dùng để chúc những người phụ nữ sinh đẻ thuận lợi. Thế nhưng có bao giờ bạn thắc mắc về nguồn gốc của câu chúc này không? Tại sao không phải "mẹ hình vuông, con tam giác" hay "mẹ hình bình hành, con hình chữ nhật" mà nhất thiết phải là "mẹ tròn, con vuông"
Thực tế, điều này xuất phát từ quan niệm của người xưa, cho rằng trời hình tròn, đất hình vuông. Con người do trời sinh ra, do đất nuôi dưỡng, nên cũng phải vuông tròn như trời đất thì mới trọn vẹn, an ổn.
Điều này thấy rõ trong sự tích bánh chưng, bánh giày. Hoàng tử Lang Liêu nằm mộng được tiên ông hướng dẫn làm bánh giày tròn tượng trưng cho trời, bánh chưng vuông tượng chưng cho đất để chỉ sự hoà hợp với tạo hoá. Nhờ đem hai thứ bánh này lên dâng tổ tiên mà hoàng tử được vua khen và truyền ngôi cho.
Hiện tại, y học phát triển và quan tâm đến vấn đề mang thai và sinh con, giúp người phụ nữ tránh được tai biến trong quá trình mang thai và các giai đoạn chuyển dạ.
Để có thể "mẹ tròn con vuông", tận hưởng niềm hạnh phúc khi bế thiên thần bé bỏng trên tay thì trong quá trình mang thai và giai đoạn chuẩn bị sinh, người phụ nữ cần phải bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và sắp xếp thời gian nghỉ ngơi một cách hợp lý.
2. Lao động nữ được nghỉ sinh con trong thời gian bao lâu?
Căn cứ tại Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì chế độ thai sản là một trong những quyền lợi căn bản dành cho người đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tại Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian nghỉ thai sản khi sinh con của lao động nữ như sau:
- Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Lưu ý: Thời gian hưởng chế độ thai sản nêu trên có tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Hiện nay, các quy định của Bộ luật Lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản hướng dẫn chỉ quy định thời gian nghỉ thai sản mà không có bất cứ quy định nào về thời hạn thông báo trước khi nghỉ.
Như vậy, pháp luật không bắt buộc người lao động phải báo trước khi nghỉ thai sản.
Tuy nhiên, với những khoảng thời gian nghỉ thai sản không ngắn, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bố trí, sắp xếp người thay thế, người lao động nên chủ động báo trước một thời gian để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không bị xáo trộn.
3. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con bao gồm gì?
Căn cứ tại Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hồ sơ hưởng chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con bao gồm:
- Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
- Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;
- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;
- Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Như vậy, "mẹ tròn, con vuông" là lời chúc phụ nữ sinh con thuận lợi, khỏe mạnh. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.