Việc xác định hình thức tính lương cho NLĐ hợp đồng 111 tại đơn vị sự nghiệp đang là vấn đề quan tâm của nhiều người, cùng tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé
(1) NLĐ hợp đồng 111 tại đơn vị sự nghiệp là ai?
NLĐ làm việc theo hợp đồng 111 là cách gọi “tắt” đối với NLĐ làm các công việc hỗ trợ, phục vụ tại các đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP.
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 111/2022/NĐ-CP quy định, NLĐ làm công việc hỗ trợ, phục vụ tại đơn vị sự nghiệp bao gồm:
- Lái xe, bảo vệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 111/2022/NĐ-CP
- Lễ tân, phục vụ; tạp vụ; trông giữ phương tiện; bảo trì, bảo dưỡng, vận hành trụ sở, trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị
- Công việc hỗ trợ, phục vụ khác thuộc danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập không được xác định là công chức, viên chức theo quy định của pháp luật
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 111/2022/NĐ-CP, NLĐ làm các công việc trên tại đơn vị sự nghiệp công lập được ký kết hợp đồng bằng văn bản, các loại hợp đồng được ký kết bao gồm:
- Hợp đồng dịch vụ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định của pháp luật khác có liên quan
- Hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động và quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP
Như vậy, NLĐ hợp đồng 111 sẽ được ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dịch vụ với đơn vị sự nghiệp công lập mà mình làm việc.
Từ đây, có nhiều thắc mắc xoay quanh vấn đề hình thức nhận lương đó là: NLĐ sẽ được nhận lương theo bảng lương của công chức, viên chức (vì làm việc trong cơ quan nhà nước) hay nhận lương theo thỏa thuận của hợp đồng (như doanh nghiệp tư nhân)?
(2) Lương của NLĐ hợp đồng 111 tại đơn vị sự nghiệp tính theo hình thức nào?
Để làm rõ vấn đề này, căn cứ vào khoản 2 Điều 8 Nghị định 111/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Người lao động làm công việc hỗ trợ, phục vụ quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 111/2022/NĐ-CP được hưởng tiền lương và các chế độ khác theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Tiền lương trong hợp đồng lao động áp dụng một trong hai hình thức:
- Áp dụng mức tiền lương theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật lao động
- Áp dụng tiền lương theo bảng lương của công chức, viên chức phù hợp với khả năng ngân sách của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Như vậy, NLĐ hợp đồng 111 tại đơn vị sự nghiệp được thỏa thuận áp dụng một trong hai hình thức trả lương trên. Nếu thỏa thuận áp dụng tiền lương theo bảng lương của công chức, viên chức thì việc áp dụng đó phải phù hợp với khả năng ngân sách của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà NLĐ làm việc.
Bên cạnh đó, nếu áp dụng tiền lương theo bảng lương của công chức, viên chức thì các loại phụ cấp được hưởng (nếu có) được tính vào tiền lương; chế độ nâng bậc lương và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến tiền lương thực hiện như công chức, viên chức.
(3) Áp dụng bảng lương nào đối với NLĐ nhận lương theo bảng lương công chức, viên chức?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 204/2004/NĐ-CP, NLĐ hợp đồng 111 nhận lương theo bảng lương công chức, viên chức sẽ được áp dụng theo Bảng 4.
>>> Xem chi tiết bảng lương của NLĐ hợp đồng 111 tại đơn vị sự nghiệp công lập tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/26/bang-4.docx
Bên cạnh đó, chế độ nâng bậc lương cho NLĐ hợp đồng 111 được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV như sau:
Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.
Hy vọng qua bài viết này NLĐ sẽ giải đáp được các thắc mắc của mình về tiền lương thì làm việc theo hợp đồng tại Nghị định 111 ở đơn vị sự nghiệp công lập.