Hiện nay Luật Biển 2012 đã được thông qua và công báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không biết mọi người cảm nhận như thế nào về luật này, còn với riêng tôi thì tôi thấy nó quá dài và dư thừa. Kể từ khi nó được công bố đến nay, tôi chỉ đọc và chỉ quan tâm một phần duy nhất trong luật này thôi: PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH !
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.
Cuối cùng thì sau bao nhiêu năm chờ đợi, nước Việt Nam chúng ta cũng đã khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng nước xung quanh trong một văn bản Luật. Có thể nói là 90% giá trị của Luật Biển 2012 nằm hết ở đoạn này.
Thực tế là trong những năm qua (kể từ 1982 đến nay) các mối quan hệ trên biển giữa Việt Nam và các nước láng giềng vẫn được giải quyết một cách “êm đẹp” “phù hợp” mà không cần đến luật Biển; vì một lẽ đơn giản là chúng ta đã có Công ước Luật Biển 1982 để làm căn cứ giải quyết các vấn đề phát sinh trên biển như: đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải … Và sự thực thì các quy định trong Luật Biển 2012 của chúng ta cũng chẳng khác biệt gì so với Công ước Luật Biển 1982.
Nói cách khác thì hiện tại, Việt Nam không quá cần thiết phải soạn thảo và ban hành Luật biển vì chúng ta đã có đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh các mối quan hệ trên biển rồi.
Vậy thì tại sao rất nhiều người, cả những người nghiên cứu pháp luật và không nghiên cứu pháp luật, và cả tôi, lại đặt sự quan tâm quá nhiều đến luật Biển 2012 như vậy ? Có lẽ cũng chỉ là vì một đoạn ngắn gọn phía trên mà thôi.
Tình hình thực tế hiện nay ở Biển Đông rất loạn: Philippines, Indonesia tăng cường hoạt động quân sự nhằm khẳng định chủ quyền của mình; Hoa kỳ thì liên xuất hiện ở Biển Đông nhằm thể hiện sự ảnh hưởng và tìm kiếm lợi ích; “người anh em” Campuchia vốn chẳng liên quan gì nay bỗng trở thành “nhân vật quan trọng”, mọi phát ngôn của họ đều có thể làm thay đổi cán cân lợi ích giữa các nước trong Biển Đông; “người láng giềng tốt với mười sáu chữ vàng” Trung quốc thì không cần phải nhắc đến: “tàu lạ” “bắt tàu cá” “thành phố Nam Sa”, “đường lưỡi bò” … hầu hết kết quả tìm kiếm của các từ khóa này trên mạng đều dẫn đến “anh hàng xóm vàng” của chúng ta (tôi đã từng nghĩ đến một ngày, khi chúng ta search hình ảnh “bò” trên trang Google, thì kết quả trả lại nhiều nhất là “cái lưỡi” nổi tiếng của “anh ấy” chứ không phải là con gia súc 4 chân dùng để kéo cày)… trong khi đó, Việt Nam, chủ nhân thật sự và chân chính của 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa – một trong những đối tượng tranh chấp chính – thì lại quá “im hơi lặng tiếng” thâm chí đôi lúc trở thành người ngoài cuộc với “sự quan ngại sâu sắc” mỗi khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm.
Bởi thế, người dân Việt Nam đang rất nóng lòng chờ đợi hành động bảo vệ chủ quyền của Đảng và Nhà Nước. Và rất may mắn rằng sự chờ đợi đã được đền đáp. Cuối cùng thì nước ta cũng có một văn bản Luật tuyên bố rõ ràng và cụ thể rằng : Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Và thật sự, có lẽ trong cả luật dài 7 chương 55 điều này, nhân dân cả nước Việt Nam này cũng chỉ chờ đợi một đoạn ngắn ngủi ấy mà thôi. Còn lại những phần khác là quá dư thừa.
Trong suy nghĩ của tôi, Luật Biển 2012 chỉ cần 3 điều thôi:
Điều 1: Hoàng Sa và Trường Sa cùng vùng nước xung quanh là lãnh thổ của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Điều 2: Mọi quan hệ trên biển sẽ được điều chỉnh theo Công ước Luật Biển 1982.
Điều 3: Tất cả công dân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam phải có nghĩa vụ thực hiện các quy định trong luật này.
Như thế là đã đủ lắm rồi.
Còn mọi người, mọi người nghĩ gì về Luật Biển 2012 ?
Luật Biển 2012: http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-thong-Van-tai/Luat-bien-Viet-Nam-2012-143494.aspx
Chủ đề khác bàn luận về luật Biển 2012: http://danluat.thuvienphapluat.vn/luat-bien-viet-nam-2012-72100.aspx