Chào bạn (Do không biết cụ thể nên xin gọi là bạn) ! Do bạn không nói rõ là vụ án phúc thẩm được xét xử là vụ án hình sự hay dân sự. Tuy nhiên, về các vấn đề bạn nêu, tôi có trao đổi như sau:
1/ Thời hạn Giám đốc thẩm:
a) Nếu là vụ án hình sự: thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm được thực hiện theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, cụ thể là:
- Việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.
- Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
- Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
b) Nếu là vụ án Dân sự: thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm được thực hiện theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, cụ thể là trong thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật (Điều 288 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004).
2/ Để vụ việc không đi vào ngõ cụt, không bị bế tắc.
a) Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc khiếu nại, đề nghị kháng nghị của người dân không được giải quyết kịp thời là do khiếu nại, đề nghị kháng nghị không được gửi đến đúng địa chỉ, cơ quan, tố chức người có thẩm quyền. Ở trường hợp của bạn nêu trên, ngoài Chánh án TANDTC có thẩm quyền bạn có thể gửi đơn đề nghị đến ông Viện Trưởng Viện Kiếm sát nhân dân tối cao, đề nghị xem xét trong thời hạn.
b) Ngoài thủ tục kháng nghị Giám đốc thẩm thì còn thủ tục Tái thẩm.
* Nếu là vụ án hình sự thì thực hiện theo thủ tục tái thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, cụ thể như sau:
- Thẩm quyền kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định có hiệu lực của Tòa án các cấp.
- Thời hạn kháng nghị: (1) Nếu tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án phải tiến hành trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hạn kháng nghị không quá một năm, kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới phát hiện. (2) Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được tiến hành trong cả trường hợp người bị kết án đã chểt mà cần minh oan cho họ. (3) Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
- Căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm hình sự: (1) Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật. (2) Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm đã có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai. (3) Vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật. (4) Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật.
* Nếu là vụ án dân sự thì thực hiện theo thủ tục tái thẩm theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, cụ thể như sau:
- Thẩm quyền kháng nghị: Chánh án TANDTC và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định có hiệu lực của Tòa án các cấp.
- Thời hạn kháng nghị: Là một năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
- Căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm: (1) Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong qúa trình giải quyết vụ án. (2) có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ. (3) Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật. (4) Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan Nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ.
=> Trường hợp của bạn, nếu đã có căn cứ để khẳng định ông chánh án TAND tỉnh bạn xét xử “sai trái pháp luật rất nghiêm trọng” hoặc “là một sự kiện, một hiện tượng chạy án” thì đó cũng là một trong những căn cứ để xem xét kháng nghị theo thủ tục tái thẩm nêu trên.
Thiết nghĩ, việc của bạn nên có chuyên gia pháp luật thực sự nghiên cứu vụ việc, phân tích các tình tiết, hồ sơ vụ việc để có tư vấn, hướng dẫn an toàn, hiệu quả cho người nhà của bạn cũng như việc đơn gửi tới các cơ quan và người có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Ngoài ra, bạn có thể cậy nhờ các cơ quan truyền thông, báo chí đăng bài, tin về việc oan sai của người bà con của bạn.
Chúc bạn thành công !
Luật sư Phan Văn Lãng.
Cập nhật bởi ThanhLongLS ngày 27/07/2012 01:54:55 CH