Căn hộ nghỉ dưỡng là một loại hình bất động sản kết hợp giữa nhà ở và khách sạn đang được nhiều du khách ưa chuộng hiện nay. Vậy khi kinh doanh căn hộ có phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế TNCN không?
(1) Căn hộ nghỉ dưỡng là gì?
Căn hộ nghỉ dưỡng là những căn hộ được xây dựng tại các khu du lịch, resort, hoặc những vị trí đắc địa, sở hữu đầy đủ tiện nghi như một căn hộ thông thường (phòng ngủ, phòng khách, bếp, nhà vệ sinh...) kết hợp với các dịch vụ tiện ích cao cấp như hồ bơi, nhà hàng, spa, khu vui chơi giải trí... Giống như khách sạn, du khách có thể thuê ngắn hạn hoặc dài hạn để nghỉ dưỡng, du lịch.
Một số tên gọi về loại hình căn hộ nghỉ dưỡng này mà bạn có thể đã bắt gặp như: căn hộ Condotel, căn hộ du lịch.
(2) Kinh doanh căn hộ nghỉ dưỡng có phải đăng ký kinh doanh không?
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007NĐ-CP quy định, các cá nhân hoạt động kinh doanh hàng ngày nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật bao gồm:
- Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong
- Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định
- Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định
- Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ
- Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định
- Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác
Dựa vào các ngành nghề được liệt kê ở trên, có thể thấy việc cá nhân kinh doanh căn hộ nghỉ dưỡng không thuộc nhóm được miễn đăng ký kinh doanh. Do đó, cá nhân kinh doanh căn hộ nghỉ dưỡng phải đăng ký kinh doanh.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 22 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, việc kinh doanh dịch vụ lưu trú, gồm: Các cơ sở lưu trú theo quy định của Luật du lịch và các hình thức dịch vụ cho thuê lưu trú khác (nghỉ theo giờ và nghỉ qua đêm) hoạt động trên đất liền hoặc trên các phương tiện tàu thủy lưu trú du lịch là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và phạm vi quản lý.
Như vậy, ngoài việc đăng ký kinh doanh, cá nhân khi kinh doanh căn hộ nghỉ dưỡng phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
(3) Không đăng ký kinh doanh, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự bị xử phạt thế nào?
Về việc không đăng ký kinh doanh, theo Điều 62 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, mức xử phạt và biện pháp khắc phục đối với hành vi không đăng ký kinh doanh được quy định như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng - 10.000.000 đồng đối với các hành vi không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định
- Biện pháp khắc phục: Buộc đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định
Về việc không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, mức phạt cụ thể theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/201/NĐ như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự khi chưa được cấp hoặc bị thu hồi hoặc đang bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Như vậy, cá nhân khi kinh doanh căn hộ nghỉ dưỡng mà không đăng ký kinh doanh và không xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự sẽ bị xử phạt theo mức phạt như trên, và bị buộc phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật nếu tiếp tục kinh doanh.
(4) Kinh doanh căn hộ nghỉ dưỡng có phải nộp thuế TNCN không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC, nguyên tắc tính thuế TNCN, thuế GTGT đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh như sau:
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
Như vậy, nếu việc kinh doanh căn hộ nghỉ dưỡng có doanh thu dưới 100 triệu trong năm dương lịch thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN.
Việc khai thuế do hộ kinh doanh, cá nhân tự thực hiện và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế.