Kể từ ngày Thông tư 01/2016/TT-BCA được ban hành, dân tình được một phen hú hồn, cứ tưởng thêm trường hợp CSGT đựơc dừng phương tiện, thêm quy định trưng dụng phương tiện giao thông bất kể lúc nào…
Dân ta tiếp cận pháp luật chủ yếu thông qua con đường báo chí, mà cứ một văn bản được ban hành, nhiều khi không sửa đổi nhiều, chỉ là câu chữ cho súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu hoặc quản chặt hơn là báo chí rùm beng lên làm dân chúng cũng hú hồn theo.
Thế mới nói, vai trò của nhà báo thời nay quan trọng hơn cả, nhà báo hiểu sai => viết bài theo hướng hiểu sai của mình => dân mình đọc báo theo hướng hiểu sai => nháo nhào vì thấy vô lý. Âu cũng là do nhà báo.
Đơn cử mấy trường hợp vừa qua:
1. "Lao động gánh thêm bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp"
=> Thực chất người lao động không phải gánh thêm khoản phí này, mà khoản phí này được tách ra từ phí BHXH.
Xem chi tiết tại đây.
2. Thực hư Thông tư 01/2016/TT-BCA về nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT
=> Thực chất, quy định về các trường hợp được dừng phương tiện và quy định về trưng dụng phương tiện bất cứ lúc nào không thay đổi so với trước. Quan trọng là quy định mở quyền xử phạt các vi phạm pháp luật khác có liên quan.
3. Quy định bình chữa cháy trong xe ô tô 4 chỗ ngồi
Thông tư 57/2015/TT-BCA quy định các xe ô tô phải trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Nhiều báo chí để tin “Thông tư mới nhất về quy định buộc phải có bình chữa cháy” hay “Rối bời với bình chữa cháy ô tô”
=> Thực chất, trước đây, trong các văn bản quy định xử phạt vi phạm hành chính đã có quy định xử phạt trong trường hợp xe ô tô không lắp đặt bình chữa cháy – đây không phải là quy định mới.
Khoản 1 Điều 41 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
Điều 41. Vi phạm quy định về trang bị, bảo quản và sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi làm che khuất phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện phòng cháy và chữa cháy định kỳ;
b) Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy không đầy đủ hoặc không đồng bộ theo quy định;
c) Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới theo quy định.
|
Khoản 2 Điều 16 Nghị định 171/2013/NĐ-CP:
Điều 16. Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không có kính chắn gió hoặc có nhưng vỡ, không có tác dụng (đối với xe có thiết kế lắp kính chắn gió).
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không có đủ đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu, cần gạt nước, gương chiếu hậu, dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy, đồng hồ báo áp lực hơi, đồng hồ báo tốc độ của xe hoặc có những thiết bị đó nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế (đối với loại xe được quy định phải có những thiết bị đó);
b) Điều khiển xe không có còi hoặc có nhưng còi không có tác dụng;
c) Điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh hoặc có nhưng không đúng quy chuẩn kỹ thuật.
|
…
Chỉ bấy nhiêu vấn đề thôi, cho thấy đọc báo cũng phải chọn lọc thông tin, không nên chỉ chăm chăm thông tin vào các bài báo mà cần phải tìm văn bản đọc, so sánh, đối chiếu lại.
Thiết nghĩ, trong khóa đào tạo các ngành báo chí, cũng nên có một khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các nhà báo tương lai, bởi nhà báo là cầu nối giữa Nhà nước với dân, giúp dân chúng tiếp cận pháp luật một cách đúng đắn thay vì tiếp cận lệch hướng như thực trạng hiện nay.