Vấn đề tiền lương luôn là vấn đề được đề cập nhiều trong công việc làm, và trường hợp người sử dụng lao động trả không đủ tiền lương cho người lao động cũng thường xuyên sảy ra. Vậy có biện pháp nào hạn chế điều đó không?
Mới đây ngày 01/3/2020 Chính phủ ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng sẽ có hiệu lực vào ngày 15/04/2020. Theo đó, vấn đề người sử dụng lao động trả không đủ tiền lương cho người lao động cũng được quy định về mức xử lý.
Tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định này quy định phạt tiền người sử dụng lao động nếu có hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động như sau:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Ngoài ra tại Điểm a Khoản 5 Điều này còn quy định về biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
Buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.
Với quy định này mong người lao động sẽ tự bảo vệ quyền lợi của mình trước người sử dụng lao động đặc biệt trong vấn đề tiền lương.
Các bạn có ý kiến về điều này không, mong nhận được sự phản hồi.