Từ chuyện UBND xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng tử cho 4 người còn sống.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xóa nợ cho người vay vốn của ngân hàng gặp rủi ro, hoạn nạn, đặc biệt khó khăn, chủ hộ hoặc người thừa kế trong gia đình đã qua đời. Hội Nông dân xã Xuân Lập lập danh sách 12 người vay vốn của ngân hàng trên thông qua tổ chức hội (với tổng số nợ ngân hàng của 12 người là hơn 13 triệu đồng), đề nghị UBND xã cấp chứng tử cho 12 người vay vốn này, với mục đích để được ngân hàng xóa nợ cho các hộ nghèo.
Khổ thay, vào thời điểm năm 2009, cán bộ tư pháp của xã Xuân Lập nghỉ chế độ thai sản, nên công tác tư pháp tạm bàn giao cho một cán bộ văn phòng UBND xã phụ trách kiêm nhiệm. Lúc Hội Nông dân xã gửi danh sách 12 người để đề nghị cấp giấy chứng tử, cán bộ xã không kiểm tra thực tế tại cơ sở, nên trình chủ tịch UBND xã ký cấp giấy chứng tử cho cả 12 người.
Ông Nguyễn Ngọc Thức - Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: việc Hội Nông dân xã Xuân Lập đề nghị và UBND xã cấp giấy chứng tử cho người còn sống nêu trên là sai phạm hi hữu, đáng tiếc.
Cũng may Ngân hàng chính sách kiểm tra và chưa xóa nợ cho 4 người này, nếu không thì hậu quả sẽ tệ hơn là việc kiểm điểm....
Đến chuyện cấp giấy khám sức khỏe cho người chết cách đó gần chục năm:
Ngày 28/3/2014, Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) đã cấp giấy khám sức khỏe cho một người đã mất vào tháng 9/2006. Nguyên nhân là nhân viên làm thủ tục và cán bộ y bác sĩ không kiểm tra, đối chiếu ảnh, chứng minh nhân dân với người khám sức khỏe thực tế nên đã khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người đã mất. Câu chuyện bị phơi bày tiêu cực, dễ dãi trong việc cấp giấy khám sức khỏe được ông Mai (65 tuổi, trú thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) tố cáo.
Điều đáng nói là tất cả những sai phạm hy hữu trên đều xuất phát từ 01 nguyên nhân chính: thiệu sự kiểm tra, giám sát của cán bộ công chức, viên chức.