KHÁI NIỆM NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI???

Chủ đề   RSS   
  • #388026 16/06/2015

    nguyenvandat52

    Sơ sinh

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:29/12/2014
    Tổng số bài viết (14)
    Số điểm: 205
    Cảm ơn: 3
    Được cảm ơn 3 lần


    KHÁI NIỆM NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI???

    Mình đang băn khoăn về nội số nội dung liên quan đến NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI:

    1. Độ tuổi của NCTN phạm tội là dưới 18 tuổi hay từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi?

    2 NCTN phạm tội thì NCTN đó đã thực hiện hành vi thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của tội phạm chưa?

    Xin ý kiến của mọi người

    Thân!

     
    36838 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn nguyenvandat52 vì bài viết hữu ích
    UBNDxathanhson (23/06/2015)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #388069   16/06/2015

    nguoitruongphu
    nguoitruongphu
    Top 75
    Male
    Lớp 7

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:09/09/2014
    Tổng số bài viết (1087)
    Số điểm: 9134
    Cảm ơn: 87
    Được cảm ơn 301 lần


    I. Khái niệm về người chưa thành niên

    Cho đến nay, trong các văn bản pháp luật Việt Nam cũng chưa có một quy định hay định nghĩa cụ thể về người chưa thành niên. Tuy vậy, trong thực tiễn đời sống, chúng ta đều hiểu rằng: người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, chưa có khả năng nhận thức, kiểm soát được suy nghĩ, hành vi của mình. Do đó, người chưa thành niên dễ bị chi phối bởi tác động bên ngoài và thực hiện các hành vi thiếu suy nghĩ chín chắn. Từ đặc điểm về lứa tuổi, các đặc thù nêu trên của người chưa thành niên nên pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật nhiều nước trên thế giới đều có những quy định phù hợp để bảo vệ, giáo dục, phòng ngừa các hành vi xâm phạm trẻ em hoặc xử lý đối với trẻ em vi phạm pháp luật.

    Pháp luật Việt Nam cũng đã có rất nhiều những quy định liên quan đến người chưa thành niên:

    - Đối với pháp luật hình sự:

    + Điều 12 Bộ luật Hình sự (sau đây viết tắt là BLHS) quy định:

    “Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

    1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

    2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”

    Như vậy, người từ đủ 14 tuổi, nhưng chưa đủ 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự (sau đây viết tắt là TNHS) về những tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do cố ý, cũng không phải chịu TNHS đối với các tội rất nghiêm trọng do cố ý. Người dưới 14 tuổi không phải chịu TNHS về mọi tội phạm.

    + Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) cũng dành hẳn một chương XXXII để quy định thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên và các ngành hữu quan Trung ương cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2011TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/07/2011 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 01/2011).

    - Đối với pháp luật dân sự:

    Điều 2 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về quyền khởi kiện vụ án, quy định tại Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự:

    ‘‘….2. Đối với cá nhân là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi không mất năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình, thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp có liên quan đến hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự đó…’’

    ‘‘…3. Đối với cá nhân là người chưa thành niên (trừ trường hợp được hướng dẫn tại khoản 2 Điều này), người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì người đại diện hợp pháp của họ (đại diện theo pháp luật) có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án…’’

     “…6. b) Đối với trường hợp được hướng dẫn tại khoản 3 Điều này, thì nguyên đơn là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Do những người này không có năng lực hành vi tố tụng dân sự, nên người đại diện hợp pháp của họ thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn tại Toà án;’’

    - Đối với pháp luật hành chính:   

    Điều 105 Luật Tố tụng Hành chính quy định về đơn khởi kiện:

    “…2. Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì đơn khởi kiện do người đại diện theo pháp luật của những người này ký tên hoặc điểm chỉ…”

    Chú ý: Điều 18 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính quy định Viện Kiểm sát có quyền khởi tố vụ án hành chính, nhưng Luật Tố tụng hành chính hiện hành chỉ quy định trong trường hợp cần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì Viện Kiểm sát có quyền kiến nghị Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người đó có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ cho họ khi khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án (khoản 3 Điều 23 Luật Tố tụng hành chính).

    Từ những quy định nêu trên của pháp luật, có thể đưa ra một số nhận xét sau:

    Một là, đối với những người dưới 18 tuổi đều được coi là người chưa thành niên khi họ tham gia tố tụng tại Tòa án.

    Hai là, những người chưa thành niên cũng được phân chia thành các độ tuổi khác nhau và từ sự phân chia này có thể xác định được tư cách tham gia tố tụng tại Tòa án, xác định được tội danh, xác định được có phải chịu TNHS hay không.

    Ba là, trừ người chưa thành niên từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi đã tham gia lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình thì những người chưa thành niên khác khi tham gia tố tụng đều có người đại diện hợp pháp theo pháp luật hoặc người giám hộ.

    Như vậy, có thể đưa ra khái niệm về người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Họ có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp theo pháp luật hoặc người giám hộ để tham gia tố tụng tại các cơ quan tiến hành tố tụng. Người chưa thành niên tham gia tố tụng thường với tư cách: bị can, bị cáo, người bị hại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người làm chứng. Tùy theo tư cách tham gia tố tụng mà họ có các quyền, nghĩa vụ tương ứng theo quy định của pháp luật hình sự, dân sự hoặc hành chính.

    Trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh doanh thương mại, hành chính có những điểm khác nhau nên khi tham gia tố tụng đối với các loại vụ án nào thì các cơ quan tiến hành tố tụng và người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp theo pháp luật hoặc người giám hộ của họ đều phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về loại vụ án đó.

    Chú ý: Người chưa thành niên khác với trẻ em. Nếu người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi thì trẻ em là người chưa đủ 16 tuổi.

    I. Trình tự, thủ tục giải quyết vụ án có người chưa thành niên tham gia tố tụng

    1. Đối với các vụ án hình sự.

    1.1. Người chưa thành niên là bị can, bị cáo.

    Trong những năm qua, tỷ lệ người chưa thành niên phạm tội trong tổng số người phạm tội bị truy tố, xét xử là khá cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng buồn này và cũng đã có những ý kiến trái ngược nhau về việc phải sửa Luật Hình sự theo hướng xử lý nghiêm khắc hơn các hành vi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng của người chưa thành niên. Theo đó, ý kiến theo chiều hướng này cho rằng phải hạ tuổi chịu TNHS và phải nâng mức hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội. Việc hình sự hóa các hành vi phạm tội của người chưa thành niên, theo chúng tôi, cần phải có sự cân nhắc thật nghiêm túc, không thể vì một vài vụ án đặc biệt nghiêm trọng do người chưa thành niên gây ra mà phải hình sự hóa, tức là phải thay đổi chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội.

    Bộ luật Hình sự hiện hành quy định một chương riêng về nguyên tắc xử lý, về TNHS của người chưa thành niên phạm tội (chương X).

    a, Nguyên tắc:

    1. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu là giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lạnh mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

    2.     Người chưa thành niên có thể được miễn TNHS nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng.

    3. Việc truy cứu TNHS người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, đặc điểm nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt thì Tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp là giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng.

    b, Thủ tục tố tụng đối với các vụ án có người chưa thành niên tham gia.

    - Xác định chứng cứ về độ tuổi: Độ tuổi của người tham gia tố tụng là người chưa thành niên cực kỳ quan trọng. Trong một số trường hợp độ tuổi của bị can, bị cáo quyết định họ có phải chịu TNHS hay không; độ tuổi của người bị hại cũng có thể quyết định đó là tội gì, khung hình phạt nào và đồng thời cũng quyết định thẩm quyền xét xử của Tòa án. Ví dụ: Người từ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS đối với các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Mọi hành vi giao cấu người dưới 13 tuổi đều là hiếp dâm trẻ em; mua bán người dưới 16 tuổi là mua bán trẻ em…

    Chính vì tầm quan trọng này mà độ tuổi của bị can, bị cáo, người bị hại được tính theo ngày. Nếu không rõ ngày của bị can, bị cáo thì phải tính vào ngày cuối của tháng, nếu không rõ tháng thì phải tính vào tháng cuối của năm. Tương tự như trên, tuổi của người bị hại cũng được tính theo ngày và phải đảm bảo tính chính xác (xem Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2011). Do đó, khi chưa cần có đầy đủ chứng cứ về độ tuổi thì cơ quan truy tố cũng như Tòa án phải yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ (chẳng hạn chứng cứ về giấy khai sinh khác nhau về ngày tháng năm sinh). Chỉ trong trường hợp không thể xác định được tuổi, ngày, tháng sinh thì mới phải xác định theo hướng có lợi cho bị cáo.

    - Điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên (Điều 302 BLHS):

    “1. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán tiến hành tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội phải là người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên.”

    Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2011 quy định về phân công người tiến hành tố tụng. Theo đó, những người được phân công tiến hành tố tụng trong các vụ án này phải là những người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm về điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên hoặc người có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến người chưa thành niên.

    Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2011 quy định về phân công người tiến hành tố tụng. Theo đó, những người được phân công tiến hành tố tụng trong các vụ án này phải là những người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm về điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên hoặc người có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến người chưa thành niên.

    - Khi tiến hành điều tra, truy tố và xét xử cần phải xác định rõ:

    a, Tuổi, trình độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người chưa thành niên;

    b, Điều kiện sinh sống và giáo dục;

    c, Có hay không có người thành niên xúi giục;

    d, Nguyên nhân và điều kiện phạm tội;

    - Về việc bắt, tạm giữ, tạm giam:

    Nếu có đủ căn cứ quy định tại các Điều 80, 81, 82, 86, 88 và Điều 120 BLHS thì người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam khi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

    Cơ quan ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phải thông báo cho gia đình, đại diện hợp pháp của họ biết ngay sau khi bắt, tạm giữ, tạm giam (xem Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2011).

    - Việc hỏi cung bị can: Điều tra viên, Kiểm sát viên tiến hành việc hỏi cung bị can theo quy định tại Điều 131 BLTTHS. Không được tiến hành hỏi cung vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản hỏi cung. Nghiêm cấm Điều tra viên, Kiểm sát viên bức cung hoặc nhục hình đối với bị can. Nghiêm cấm Điều tra viên, Kiểm sát viên tự mình thêm bớt hoặc sửa chữa lời khai. Nếu có việc bổ sung, sửa chữa thì bị can và Điều tra viên, Kiểm sát viên đều phải ký trong từng trang. Nếu bị can tự viết lời khai thì bị can và Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên cùng phải ký xác nhận tờ khai đó.

    Khi hỏi cung có mặt người bào chữa, người đại diện hợp pháp của bị can thì Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên phải giải thích cho những người này biết quyền và nghĩa vụ của họ trong khi hỏi cung bị can. Tất cả những người tham dự hỏi cung đều phải ký vào biên bản hỏi cung.

    Nếu người bào chữa được hỏi bị can thì trong biên bản phải ghi đầy đủ câu hỏi và trả lời của bị can. Và hạn chế đến mức thấp nhất số lần lấy khai của người chưa thành niên ( xem Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2011).

    - Về quyền bào chữa: bị can, bị cáo là người chưa thành niên có quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 50 BLTTHS. Do bị can, bị cáo là người chưa thành niên nên Điều 305 BLTTHS quy định về “bào chữa” như sau:

    “1. Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

    2. Trong trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ không lựa chọn được người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình.”

    Điều 9 Thông tư liên tịch số 01/2011 quy định việc tham gia tố tụng của người bào chữa là bắt buộc trừ trường hợp người chưa thành niên và người đại diện hợp pháp của họ từ chối người bào chữa.

    - Về việc tham gia tố tụng của gia đình, nhà trường, tổ chức thì Điều 306 BLTTHS quy định: đại diện của gia đình, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo học tập, lao động, sinh sống có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án.

    Việc hỏi cung, lấy lời khai đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác phải có mặt đại diện của gia đình, trừ trường hợp họ cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Nếu Điều tra viên, Kiểm sát viên đồng ý thì đại diện gia đình có thể hỏi người tạm giữ, bị can; được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại; được đọc hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra ( xem Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2011).

    1.2.Người chưa thành niên là người bị hại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, nguyên đơn, bị đơn dân sự

    a, Người chưa thành niên là người bị hại.

    Người chưa thành niên, đặc biệt là trẻ em là đối tượng được pháp luật bảo vệ đặc biệt. Trong một số trường hợp, hành vi xâm phạm không bị coi là tội phạm nếu đối tượng bị xâm hại là người đã thành niên, ngược lại hành vi xâm hại đó sẽ có tội nếu đối tượng đó là người chưa thành niên hoặc trẻ em. Ví dụ: Tội giao cấu với trẻ em (Điều 115 BLHS); Tội dâm ô với trẻ em (Điều 116 BLHS); Tội mua dâm người chưa thành niên (Điều 256 BLHS); vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em (Điều 228 BLHS)…

    Một số hành vi xâm phạm đến trẻ em được pháp luật hình sự quy định thành các tội phạm độc lập, chế tài hình phạt nghiêm khắc hơn nhiều so với hành vi cùng loại nhưng xâm hại đến người đã thành niên. Ví dụ: tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112 BLHS); tội cưỡng dâm trẻ em (Điều 114 BLHS); tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120 BLHS)…

    Phạm tội với trẻ em được coi là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt như giết trẻ em (điểm c, khoản 1 Điều 93 BLHS); đe dọa giết trẻ em (điểm c khoản 2 Điều 103 BLHS); hành hạ trẻ em (điểm c, khoản 2 Điều 110 BLHS)… hoặc đó là tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48 BLHS.

    Người chưa thành niên là người bị hại cũng được phân biệt theo lứa tuổi: dưới 16 tuổi (trẻ em) và trên 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (người chưa thành niên). Chính vì vậy, Điều 12 Thông tư liên tịch số 01/2011 hướng dẫn tỉ mỉ về cách xác định tuổi của người bị hại là người chưa thành niên. Trong mọi trường hợp, nếu không xác định được năm sinh thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải giám định tuổi của người chưa thành niên.

    Các quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên là người bị hại cũng là quyền và nghĩa vụ của người bị hại quy định tại Điều 51 BLTTHS. Tuy nhiên, do đây là đối tượng được bảo vệ đặc biệt nên ngoài việc người chưa thành niên tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại thì người đại diện hợp pháp của họ cũng được tham gia tố tụng như người bị hại chưa thành niên. Do đó, việc lấy lời khai của người chưa thành niên, đặc biệt là trường hợp họ có nhược điểm về thể chất, tâm thần hoặc ở độ tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi thì buộc phải có mặt của người đại diện hợp pháp của họ.

    Pháp luật hình sự không quy định việc Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan Điều tra phải chỉ định người bào chữa cho người bị hại là trẻ em hoặc người chưa thành niên nhưng theo quy định tại Điều 14 Thông tư liên tịch số 01/2011 thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải thông báo cho người bị hại là người chưa thành niên, cha mẹ, người đỡ đầu, người đại diện hợp pháp của họ biết về quyền nhờ Luật sư, Bào chữa viên nhân dân hoặc người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nếu họ không lựa chọn được thì cần yêu cầu Đoàn Luật sư cử Luật sư hoặc cơ quan, tổ chức cử Bào chữa viên. Nhưng ai trả chi phí bào chữa thì Thông tư lại không hướng dẫn cụ thể và sẽ là một vướng mắc. Pháp luật hình sự cũng không có quy định về việc tham gia tố tụng của gia đình, nhà trường, tổ chức khi người chưa thành niên bị xâm hại. Phải chăng đây là một thiếu sót khi xây dựng pháp luật. Chúng ta mới chỉ chú ý đến người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phạm tội và dành những quy định đặc biệt trong pháp luật hình sự để bảo vệ họ mà đã để hổng các đối tượng cũng rất cần thiết phải có sự bảo vệ đặc biệt khi họ bị hành vi phạm tội xâm phạm, đó là người chưa thành niên hoặc là trẻ em.

    Tuy nhiên, trước khi có hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 01/2011, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đều đã quan tâm để đảm bảo các quyền lợi hợp pháp cho đối tượng này nhất là việc đảm bảo quyền tham gia tố tụng của người đại diện hợp pháp trong một số vụ án cụ thể. Mặc dù không có quy định chỉ định người bảo vê quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người chưa thành niên, trẻ em hoặc người chưa thành niên là người có nhược điểm về thể chất và tâm thần nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng đã hướng dẫn họ đến các tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí để được các tổ chức này tư vấn về pháp luật hoặc cử người bảo vệ quyền lợi miễn phí.

    b, Người chưa thành niên tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn, bị đơn, người làm chứng

    Trong thực tiễn, người chưa thành niên có thể tham gia tố tụng với tư cách tố tụng nêu trên. Tuy nhiên, cùng xuất phát từ đặc điểm của lứa tuổi chưa thành niên, pháp luật cũng quy định người đại diện hợp pháp, người giám hộ cho họ nhằm đảm bảo việc thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

    Người đại diện hợp pháp hoặc người giám hộ của người chưa thành niên có thể là cha, mẹ, người thân thích của người chưa thành niên, cũng có thể là đại diện của cơ quan, tổ chức, như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ hoặc các đoàn thể khác.

    1.3. Xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người chưa thành niên

    a, Nghiên cứu hồ sơ vụ án và chuẩn bị xét xử.

    Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự có người chưa thành niên tham gia tố tụng cũng tương tự như việc nghiên cứu các vụ án hình sự khác. Tuy nhiên do pháp luật hình sự có những quy định riêng trong trình tự, thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can nên khi nghiên cứu hồ sơ, Thẩm phán phải đặc biệt chú ý đến việc chấp hành các thủ tục, trình tự tố tụng này của Điều tra viên, Kiểm sát viên. Trường hợp nếu phát hiện thấy có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng tức là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định, xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng nói chung và của người chưa thành niên nói riêng hoặc ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án. Các vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng được hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/08/2010 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung (sau đây xin được viết tắt là Thông tư liên tịch số 01/2010). Theo hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010 thì việc không yêu cầu cử người bào chữa cho bị can, bị cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 57 BLTTHS, chưa điều tra, lập lý lịch của bị can; chưa xác định được những đặc điểm quan trọng về nhân thân của người có hành vi phạm tội (tuổi, tiền án, tiền sự của bị can, bị cáo); khởi tố vụ án hình sự nhưng không có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại theo quy định tại khoản 1 Điều 105 của BLTTHS,...

    Chú ý: Viện Kiểm sát, Tòa án không trả hồ sơ để điều tra bổ sung mặc dù “có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng” theo hướng dẫn tại khoản 1 và được cụ thể hóa tại khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010 khi:

    - Có vi phạm thủ tục tố tụng, nhưng không xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng;

    - Bị can (bị cáo) là người chưa thành niên trong giai đoạn điều tra nhưng đến khi truy tố, xét xử họ đã đủ 18 tuổi.

    Đối với các vụ án hình sự có người chưa thành niên tham gia tố tụng, thì Thẩm phán cần nghiên cứu kỹ về độ tuổi, trình độ phát triển về thể chất, tinh thần, khả năng nhận thức về hành vi phạm tội; có người xúi giục không; nguyên nhân, điều kiện phạm tội; hoàn cảnh, động cơ, mục đích của người phạm tội. Ngoài ra cần nghiên cứu để xác định rõ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, các tình tiết quan trọng khác có ảnh hưởng đến quyết định hình phạt như nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; có hay không có người bảo lãnh… Từ các căn cứ trên, Thẩm phán có thể đề xuất việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam. Chỉ có thể quyết định tạm giam bị cáo chưa thành niên để chuẩn bị xét xử trong những trường hợp quy định tại Điều 303 BLTTHS. Nếu không phải áp dụng biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc này thì giao bị cáo cho người đại diện hợp pháp hoặc người đỡ đầu giám sát.

    Trong quá trình chuẩn bị xét xử, Thẩm phán phải kiểm tra xem bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo có yêu cầu Luật sư không;  người bị hại có mời người bào chữa hay không. Trong trường hợp bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo chưa thành niên không mời nhưng có yêu cầu Luật sư bào chữa thì Thẩm phán phải yêu cầu Đoàn Luật sư phân công văn phòng Luật sư cử Luật sư bào chữa cho bị cáo.

    Thẩm phán phải xử lý các tình huống mà bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 56 BLTTHS để chấp nhận hoặc không chấp nhận. Nếu chấp nhận thì yêu cầu Đoàn Luật sư cử người khác, nếu không chấp nhận thì thông báo bằng văn bản cho người có yêu cầu thay đổi biết. Nếu từ chối người bào chữa thì Tòa án vẫn triệu tập người bào chữa. Tại phiên tòa nếu họ tiếp tục từ chối người bào chữa thì Hội đồng xem xét, quyết định. Việc tiếp tục từ chối người bào chữa và quyết định của Hội đồng xét xử được ghi trong biên bản phiên tòa.

    Việc thành lập Hội đồng xét xử cần phải chú ý thành phần của Hội đồng xét xử, phải có Hội thẩm nhân dân là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (Điều 307 BLTTHS).Theo quy định tại Điều 16 Thông tư liên tịch số 01/2011 thì ngay cả các vụ án có người bị hại là người chưa thành niên thì Tòa án cần phải tạo điều kiện để thành phần Hội đồng xét xử có Hội thẩm nhân dân đã là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên như trong trường hợp xét xử vụ án có bị cáo là người chưa thành niên. 

    Cũng rất cần chú ý việc triệu tập những người tham gia tố tụng khác là người chưa thành niên và người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ. Nếu xét thấy cần thiết, để tránh những ảnh hưởng tiêu cực của dư luận xã hội đối với người chưa thành niên là bị cáo hoặc là người bị hại, đồng thời để tạo điều kiện cho người chưa thành niên bình tĩnh, khai báo khách quan, trung thực thì Tòa án có thể quyết định xử kín. Việc quyết định xử kín phải được nêu trong quyết định đưa vụ án ra xét xử.

    b, Phiên tòa.

    - Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, khi kiểm tra căn cước của bị cáo, người bị hại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan là người chưa thành niên thì Chủ tọa phiên tòa cần hết sức chú ý đến việc xác định ngày, tháng, năm sinh của họ. Trường hợp có việc không thống nhất về xác định tuổi của những người tham gia tố tụng này thì Hội đồng xét xử phải quyết định hoãn phiên tòa để trả hồ sơ điều tra bổ sung theo hướng dẫn tại điểm k Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010. Các vấn đề khác như xác định về đặc điểm nhân thân, lý lịch tư pháp về năng lực TNHS, về tiền án, tiền sự…nếu không thể làm rõ được trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa thì Hội đồng xét xử cũng phải hoãn phiên tòa để căn cứ vào các hướng dẫn tại Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 để trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

    - Trong phần xét hỏi:

    Ngoài việc tuân thủ các quy định của BLTTHS về việc xét hỏi, trong vụ án có người chưa thành niên tham gia tố tụng cần chú ý một số vấn đề sau đây:

    + Việc đặt câu hỏi đối với người chưa thành niên phải ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản và rất từ tốn, không được tỏ thái độ gay gắt, nhằm giúp cho người chưa thành niên hiểu, bình tĩnh trả lời đúng câu hỏi một cách khách quan. Nếu thấy họ chưa hiểu câu hỏi thì cần nhắc lại và có thể giải thích câu hỏi cho rõ hơn.

    + Trường hợp bị cáo do quá sợ hãi, không trả lời được câu hỏi hoặc mất bình tĩnh không trình bày được thì có thể động viên, giúp bị cáo trấn tĩnh (cho ngồi xuống, cách ly người lớn…), cũng có thể chuyển sang xét hỏi bị cáo khác, hỏi người bị hại… để bị cáo trấn tĩnh.

    + Việc hỏi đại diện gia đình, nhà trường, tổ chức là rất cần thiết nhằm xác định nguyên nhân, điều kiện phạm tội, động cơ, mục đích, hoàn cảnh phạm tội, từ đó Hội đồng xét xử có thể định hướng về biện pháp xử lý hình sự đối với bị cáo là người chưa thành niên.

    Hội đồng xét xử cần chú ý xem xét các chứng cứ, các yêu cầu của đại diện gia đình, nhà trường. Nếu họ có yêu cầu hỏi bị cáo thì Hội đồng xem xét quyết định (tinh thần là Chủ tọa phiên tòa nên chấp nhận yêu cầu này của đại diện gia đình, nhà trường).

    - Đối với người tham gia tố tụng là người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên, đặc biệt là trong các vụ án xâm phạm tình dục trẻ em, mua bán trẻ em thì Tòa án có thể quyết định xử kín và hạn chế tối đa việc để họ phải đối mặt với bị cáo, người nhà bị cáo tại phiên tòa. Có thể cho phép họ đứng sau màn chắn hoặc tại một phòng khác thông qua kết nối hệ thống camera ( xem Điều 16 Thông tư liên tịch số 01/2011).

    - Trong phần tranh luận:

    Ngoài bài bào chữa của người bào chữa thì đại diện hợp pháp của bị cáo, người bị hại chưa thành niên, người giám hộ của người có quyền, nghĩa vụ liên quan là người chưa thành niên, đại diện gia đình, nhà trường, tổ chức xã hội cũng có quyền tham gia tranh luận tại phiên tòa. Nếu người đại diện hợp pháp của những người tham gia tố tụng là người chưa thành niên tham gia phiên tòa và thực hiện việc bào chữa và nếu không có yêu cầu Luật sư thì họ được bào chữa, tranh luận (Tòa án không cần thiết phải chỉ định Luật sư hoặc người bào chữa cho bị cáo).

    - Nghị án và tuyên án:

    Việc nghị án phải tuân thủ quy định tại Điều 222 BLTTHS. Tuy nhiên, trong khi nghị án, Hội đồng xét xử cần phải chú ý đặc biệt đến chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định trong BLHS.

    Các vấn đề cần quan tâm đặc biệt là:

    +  Bị cáo phạm tội khi bao nhiêu tuổi và theo quy định của pháp luật về độ tuổi chịu TNHS thì bị cáo có phải chịu TNHS không?

    +  Bị cáo có tội không? Tội phạm quy định tại điểm, khoản, Điều nào của BLHS?

    + Bị cáo có đủ điều kiện để miễn TNHS theo khoản 2 Điều 69 BLHS không?

    +  Có cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với bị cáo không? Có điều kiện để áp dụng các biện pháp tư pháp theo quy định tại Điều 70 BLHS không?

    +  Khi cần thiết phải áp dụng hình phạt thì cần chú ý việc lựa chọn hình phạt. Nếu phải áp dụng hình phạt tù thì phải chú ý đến quy định về mức phạt tù tối đa đối với người chưa thành niên ( Điều 74 BLHS) và cách tính mức hình phạt đối với người chưa thành niên theo hướng dẫn tại Điều 11 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/05/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định của BLHS.

    + Không xử phạt tù chung thân, tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.

    + Không áp dụng hình phạt tiền đối với người phạm tội ở độ tuổi từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

    + Không áp dụng hình phạt bổ sung với người chưa thành niên phạm tội.

    + Không coi các bản án đã tuyên đối với người phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

    + Khi áp dụng mức phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn thì người chưa thành niên được hưởng mức nhẹ hơn mức áp dụng với người đã thành niên phạm tội tương ứng.

    + Việc tổng hợp hình phạt phải tuân thủ quy định tại Điều 75 BLHS.

    + Chú ý cân nhắc để có thể áp dụng việc miễn hình phạt, áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với những trường hợp có thể áp dụng.

    Tuyên án: Một thành viên trong Hội đồng xét xử thay mặt Hội đồng xét xử để tuyên án. Trong bản án cần có sự phân tích chặt chẽ, sâu sắc và cụ thể hơn về các nguyên nhân, điều kiện phạm tội, các động cơ, hoàn cảnh, mục đích phạm tội. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng xét xử có những kiến nghị khắc phục nguyên nhân và điều kiện phạm tội.

    Sau khi tuyên án, Chủ tọa phiên tòa có thể giải thích thêm về một số vấn đề cần thiết như cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng cho hưởng án treo, quyền kháng cáo…

    2. Đối với các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính có người tham gia tố tụng là người chưa thành niên

    Do đặc điểm tâm sinh lý và khả năng nhận thức của lứa tuổi chưa thành niên còn nhiều hạn chế, dễ bị tác động bên ngoài nên hầu hết người chưa thành niên chưa thể đưa ra những quyết định đúng đắn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc để thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ của họ khi tham gia tố tụng tại Tòa án. Vì vậy, pháp luật tố tụng dân sự và tố tụng hành chính đều có các quy định về chế định người đại diện của đương sự.

    Người đại diện của đương sự là người thay mặt đương sự tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự tại Tòa án. Có hai hình thức đại diện, đó là đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền.

    Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (sau đây viết tắt là Nghị quyết 05/2012), Luật Tố tụng hành chính đều có quy định rõ về vấn đề đại diện (đã trình bày ở phần khái niệm về người chưa thành niên). Ngoài ra pháp luật cũng có những quy định cụ thể về địa vị pháp lý của người đại diện của đương sự. Ví dụ như các Điều từ 73 đến 78 Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc Điều 54 Luật Tố tụng hành chính. Luật Tố tụng Dân sự không quy định quyền (hoặc trách nhiệm) của Viện Kiểm sát khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về  thể chất, tâm thần. Luật Tố tụng hành chính cũng chỉ quy định tại khoản 3 Điều 23 như sau: “3. Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, nếu họ không có người khởi kiện thì Viện kiểm sát có quyền kiến nghị Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi người đó cư trú cử người giám hộ đứng ra khởi kiện vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người đó.”

    - Việc giải quyết đơn khởi kiện vụ án dân sự, vụ án hành chính, thực hiện các trình tự tố tụng để có thể thụ lý đơn kiện và thực hiện các tác nghiệp để xây dựng hồ sơ vụ án là công việc của Thẩm phán và Thư ký Tòa án. Để xây dựng được hồ sơ vụ án dân sự hay vụ án hành chính, ngoài đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ do các bên đương sự nộp tại Tòa án hoặc gửi kèm đơn khởi kiện thì trong những trường hợp cần thiết hoặc theo yêu cầu của đương sự, của Viện Kiểm sát, Thẩm phán phải tiến hành thu thập chứng cứ đúng quy định pháp luật.

    Đối với các vụ án có người tham gia tố tụng là người chưa thành niên, thì ngoài việc thu thập chứng cứ từ nguồn chứng cứ do người chưa thành niên hoặc đại diện hợp pháp của họ cung cấp, Thẩm phán cần đáp ứng các yêu cầu về thu thập chứng cứ của họ.

    Trong một số trường hợp đặc biệt, tuy người chưa thành niên (trẻ em) không phải là người tham gia tố tụng, nhưng pháp luật quy định Tòa án phải hỏi (lấy lời khai hoặc bản tự trình bày) đối với những người này. Ví dụ như khi giải quyết việc nên giao con cho ai nuôi, nếu đứa trẻ từ 9 tuổi trở lên thì Tòa án phải hỏi ý kiến của đứa trẻ đó.

    Thực tiễn xét xử các vụ án dân sự và hành chính cho thấy rất ít trường hợp người chưa thành niên trực tiếp tham gia tố tụng tại phiên tòa mà chủ yếu là người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng tại Tòa án.

    - Việc nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị phiên tòa, phiên họp để giải quyết vụ việc dân sự hoặc phiên tòa để giải quyết vụ án hành chính được thực hiện theo thủ tục chung.

    Trong dân sự và hành chính, không phải bất cứ vụ án nào cũng bắt buộc có sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát. Chẳng hạn, đối với các vụ việc dân sự thì Viện Kiểm sát chỉ tham gia khi đó là “các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự, các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần” (xem Điều 21 Bộ luật Tố tụng Dân sự và Điều 7 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01/08/2012 của  Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự”.

    Chú ý: Về chế định người đại diện:

    + Trường hợp đương sự là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không có người đại diện hoặc người đại diện của họ cũng là đương sự trong vụ án với người được đại diện và quyền, lợi ích của họ lại đối lập với nhau thì Tòa án chỉ định người đại diện cho họ.

    + Trường hợp đại diện theo ủy quyền thì người đại diện theo ủy quyền chỉ được thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo ủy quyền và họ không được ủy quyền cho người thứ ba (người khác).

    - Phiên tòa xét xử các vụ án dân sự và vụ án hành chính cũng được thực hiện theo quy định chung. Tuy nhiên, nếu người chưa thành niên tham gia phiên tòa, thì Hội đồng xét xử cần chú ý việc hỏi đối với họ cũng cần rõ ràng, rành mạch, dễ hiểu. Và tránh việc làm cho họ mất bình tĩnh dẫn tới trả lời sai câu hỏi, trả lời không đầy đủ hoặc lẫn lộn trong khi trả lời hoặc khi đưa ra các tài liệu, chứng cứ.

    Tòa án cần động viên, giải thích những vấn đề mà người chưa thành niên chưa rõ, chưa hiểu và phải chú ý việc hỏi người đại diện hợp pháp, người giám hộ nhiều hơn là hỏi người chưa thành niên. Khi hỏi các người đại diện hợp pháp xong, nên hỏi người chưa thành niên có đồng ý hoặc bổ sung them về các vấn đề mà người đại diện hợp pháp đã trình bày tại phiên tòa không.

    3. Tòa án xét xử áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng và biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

    Theo quy định tại Điều 100 và Điều 102 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/07/2013 trừ các quy định có liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014. Đây là vấn đề rất mới và theo quy định tại Điều 142 “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành” của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật.

    Sở dĩ chúng tôi nêu vấn đề này vì các đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính) đều là trẻ em và người chưa thành niên. Các đối tượng phải áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc cũng có nhiều trường hợp là người chưa thành niên. Tuy nhiên, để thực hiện, cần phải có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về trình tự, thủ tục ra quyết định của Tòa án; các vấn đề khác như có cần trả hồ sơ cho Trưởng Công an huyện, Trưởng phòng Lao động – Thương binh xã hội khi Tòa án thấy còn thiếu tài liệu, chứng cứ không?; sự tham gia của Viện Kiểm sát như thế nào? Có quyền kháng cáo, kháng nghị không? Trình tự giải quyết như thế nào? Việc giải quyết này bằng phiên tòa hay phiên họp? Theo trình tự tố tụng nào?...

    Kết luận: Công tác xét xử của Tòa án đối với những vụ án liên quan đến người chưa thành niên dù là họ tham gia tố tụng với tư cách nào cũng luôn là vấn đề rất được các Tòa án quan tâm không chỉ đối với việc thực hiện các thủ tục đặc biệt mà pháp luật đã quy định, mà còn cả những vấn đề rất được các Tòa án quan tâm không chỉ đối với việc thực hiện các thủ tục đặc biệt mà pháp luật đã quy định, mà còn cả những vấn đề về nội dung của vụ án. Các thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên trước khi Tòa án xét xử cũng đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải thực hiện nghiêm túc. Nói cách khác, việc thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ, không đúng quy định của Luật Tố tụng của các cơ quan Điều tra, truy tố ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của Tòa án.

    Tuy nhiên, đối với những người chưa thành niên ở giai đoạn điều tra, truy tố nhưng khi Tòa án thụ lý, giải quyết mà họ đã thành niên thì Tòa án không cần phải áp dụng các quy định của pháp luật về người chưa thành niên với họ. Ngay đối với cơ quan Điều tra, truy tố cũng không cần áp dụng nếu như đến khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì người chưa thành niên phạm tội đã trưởng thành (trên 18 tuổi).

    Ví dụ: Một người chưa đủ 16 tuổi phạm tội giết người, sau đó bỏ trốn, ba năm sau thì người này bị bắt giữ, tức là họ đã 19 tuổi. Các cơ quan tiến hành tố tụng không cần phải thực hiện các quy định đối với người chưa thành niên.

    Vấn đề đặt ra trong bài này rất rộng, trong phạm vi bài viết, chúng tôi xin nêu những vấn đề cơ bản để các đồng nghiệp tham khảo.

    ThS. Nguyễn Quang Lộc

    Nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

    Cho dù em có xem anh là kẻ thù !Anh vẫn xem em là bạn ,bởi vì nếu không có em ( tức kẻ thù) ,thì lấy ai đâu ...để anh vượt qua thử thách?

    nguoitruongphu

     
    Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn nguoitruongphu vì bài viết hữu ích
    nguyenvandat52 (17/06/2015) luattueminh (11/09/2020)
  • #388130   16/06/2015

    hungmaiusa
    hungmaiusa
    Top 10
    Cao Đẳng

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:22/06/2013
    Tổng số bài viết (4119)
    Số điểm: 30115
    Cảm ơn: 963
    Được cảm ơn 1985 lần


     Chào bạn nguyenvandat52.

    Mình đang băn khoăn về nội số nội dung liên quan đến NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI:

    1. Độ tuổi của NCTN phạm tội là dưới 18 tuổi hay từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi?

    Theo luật dân sự:

    Điều 18. Người thành niên, người chưa thành niên

    Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên.

    Theo luật hình sự thì tuổi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự là từ đủ 14 tuổi trở lên. 

    Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

    1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

    2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc  tội phạm  đặc biệt nghiêm trọng.

    2 NCTN phạm tội thì NCTN đó đã thực hiện hành vi thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của tội phạm chưa?

    Chủ thể (trong đó có tuổi) là 1trong 4 cấu thành tội phạm nên phải xem xét đồng thời.

    Mặt khác, nếu họ chưa đủ tuổi thì vẫn phải xem xét dấu hiệu phạm tội có đủ hay không, vì vẫn cần xem xét trách nhiệm của đồng phạm khác nếu có.

     

    Cập nhật bởi hungmaiusa ngày 16/06/2015 06:52:41 CH
     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn hungmaiusa vì bài viết hữu ích
    nguyenvandat52 (17/06/2015)
  • #388236   17/06/2015

    nguyenvandat52
    nguyenvandat52

    Sơ sinh

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:29/12/2014
    Tổng số bài viết (14)
    Số điểm: 205
    Cảm ơn: 3
    Được cảm ơn 3 lần


    Cảm ơn hai bạn!

    1. Theo mình thấy thì người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi phạm tội . Vì dưới 14 tuổi không phải chịu TNHS và không thể là người phạm tội được.

    (đã có tác giả đưa ra khái niệm như vậy)

    2. Như vậy, Nếu hiểu theo cách hiểu ở mục (1) thì xúi giục NCTN phải là xúi giục người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện tội phạm.

    Tuy nhiên, khi nghiên cứu về xúi giục NCTN phạm tội t thấy hầu hết các nhà hình sự học đều đưa ra khái niệm là: xúi giục người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi phạm tội. Và tình tiết này áp dụng đối với cả trường hợp xúi giục người dưới 14 tuổi (người có hành vi xúi giục là người thực hành tội phạm trong đồng phạm).

    HỎI:

    1. Như vậy xúi giục NCTN phạm tội là xúi giục người dưới 18 tuổi hay xúi giục người từ 14 tuổi - 18 tuổi?

    2. NCTN phạm tội có độ tuổi là bao nhiêu?

    Mong mọi người giải thích giúp

     

     

     
    Báo quản trị |  
  • #388281   17/06/2015

    hungmaiusa
    hungmaiusa
    Top 10
    Cao Đẳng

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:22/06/2013
    Tổng số bài viết (4119)
    Số điểm: 30115
    Cảm ơn: 963
    Được cảm ơn 1985 lần


    Chào bạn nguyenvandat52.

    Cảm ơn hai bạn!

    1. Theo mình thấy thì người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi phạm tội . Vì dưới 14 tuổi không phải chịu TNHS và không thể là người phạm tội được.

    (đã có tác giả đưa ra khái niệm như vậy)

    2. Như vậy, Nếu hiểu theo cách hiểu ở mục (1) thì xúi giục NCTN phải là xúi giục người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện tội phạm.

    Tuy nhiên, khi nghiên cứu về xúi giục NCTN phạm tội t thấy hầu hết các nhà hình sự học đều đưa ra khái niệm là: xúi giục người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi phạm tội. Và tình tiết này áp dụng đối với cả trường hợp xúi giục người dưới 14 tuổi (người có hành vi xúi giục là người thực hành tội phạm trong đồng phạm).

    HỎI:

    1. Như vậy xúi giục NCTN phạm tội là xúi giục người dưới 18 tuổi hay xúi giục người từ 14 tuổi - 18 tuổi?

    Đó là xúi giục người dưới 18 tuổi. Luật rất rỏ ràng: dưới 18 tuổi là chưa thành niên.

    2. NCTN phạm tội có độ tuổi là bao nhiêu?

    - Dưới 18 nhưng trên 14 thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự tùy trường hợp.

    - Dưới 14 thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

    @ bạn cần tách bạch 2 khái niệm"chưa thành niên" và "phạm tội"

    - Chưa thành niên là dưới 18 tuổi.

    - Phạm tội là vi phạm luật hình sự.

    Bạn gắn hai khái niệm lại thì sẽ rối vì không có khái niệm: chưa thành niên phạm tội riêng; mà đó là một trường hợp đặc biệt khi xem xét tuổi để xác định có phải "chịu trách nhiệm hình sự hay không" đối với mặt chủ thể thôi.

    Xúi giục một người 15 tuổi hay người 13 tuổi phạm tội thì vẫn là đồng phạm (phạm tội) và bị khởi tố với vai trò chủ mưu, xúi giục, dù người chưa thành niên có thể không bị khởi tố.

     

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn hungmaiusa vì bài viết hữu ích
    nguyenvandat52 (17/06/2015)
  • #388765   22/06/2015

    luatsuhoangnam
    luatsuhoangnam

    Male
    Sơ sinh

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:22/06/2015
    Tổng số bài viết (2)
    Số điểm: 10
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 2 lần


    Điều 68. áp dụng Bộ luật hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội

    Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Phần chung Bộ luật không trái với những quy định của Chương này.

    Điều 69.  Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội

    1. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

    Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

    2. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.

    3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

    4. Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật này.

    5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi xử phạt tù có thời hạn, Toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng.

    Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

    Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.

    6. án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

    CÔNG TY LUẬT TNHH MINH THƯ - Hotline: 0922233999

    Website: http://luatsu.pro.vn Email: luatsuhoangnam@gmail.com

    Hà Nội: Tầng 3, số 281 phố Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Tp Hà Nội

    Bắc Ninh: Số 48 phố Mới, TT Quế Võ, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh

    CÔNG TY LUẬT TNHH MINH THƯ có nhiều kinh nghiệm bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Khách hàng trong các vụ án: Hình sự, Dân sự, Kinh doanh thương mại, Tranh chấp Đất đai, Chia di sản thừa kế, Khởi kiện Hành chính, Vụ án Hôn nhân và gia đình, Vụ án tranh chấp Lao động; Tư vấn giải quyết tranh chấp: Dân sự, Hôn nhân và gia đình, Đất đai, Thừa kế, Lao động; Đại diện ngoài Tố tụng cho Cá nhân, Cơ quan, Tổ chức, Doanh nghiệp; Tư vấn, soạn thảo Di chúc (làm chứng), soạn thảo Hợp đồng, Nội quy, Quy chế, Điều lệ; Thực hiện dịch vụ pháp lý khác...

     
    Báo quản trị |