Quá trình thi hành án dân sự không thể tránh khỏi những phát sinh do lỗi của người thi hành công vụ. Dưới đây là hướng dẫn mới về thủ tục nhận bồi thường khi thi hành án dân sự.
1. Hồ sơ yêu cầu bồi thường
Người yêu cầu bồi thường gửi 01 bộ hồ sơ yêu cầu bồi thường bao gồm:
- Đơn yêu cầu bồi thường theo Mẫu 01a, 01b hoặc 01c kèm theo Thông tư liên tịch này thay thế Thông tư liên tịch 24/2011/TTLT-BTP-BQP.
- Bản photocopy văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
2. Thủ tục
Người bị thiệt hại có thể gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường bằng một trong các hình thức:
+ Trực tiếp gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
+ Gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường thông qua hệ thống bưu chính viễn thông.
Khi nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải kiểm tra và xác định tính hợp lệ của đơn và các giấy tờ, tài liệu kèm theo; trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn người yêu cầu bồi thường bổ sung.
Trong hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đầy đủ và hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải thụ lý đơn yêu cầu bồi thường.
Sau khi đơn yêu cầu bồi thường được thụ lý, người bị thiệt hại phải cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu bồi thường của mình.
Trong trường hợp này, người bị thiệt hại không có quyền yêu cầu bồi thường khoản tiền lãi phát sinh tính trên số tiền bồi thường thiệt hại thực tế và các khoản thiệt hại khác phát sinh trong thời gian cung cấp các tài liệu, chứng cứ đó.
Trường hợp người yêu cầu đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể làm văn bản yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết bồi thường đúng đắn.
Trường hợp người bị thiệt hại chết mà thân nhân của người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu bồi thường, thì phải có các loại giấy tờ chứng minh quan hệ của họ đối với người bị thiệt hại như: hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân của người yêu cầu bồi thường… hoặc xác nhận của chính quyền địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người bị thiệt hại làm việc xác nhận người bị thiệt hại là thân nhân của người yêu cầu bồi thường.
3. Xác định thiệt hại
Trước tiên cần phải xác định thiệt hại thực tế, từ việc xác định thiệt hại thực tế này chi thiệt hại này thành 2 loại là thiệt hại do tài sản bị xâm phạm và thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
Khi xác định thiệt hại về tài sản, trong trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã tiến hành các biện pháp cần thiết để xác minh thiệt hại nhưng không có kết quả làm cơ sở cho việc tiến hành thương lượng việc bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể trưng cầu thẩm định giá theo quy định pháp luật.
Thời điểm giải quyết bồi thường là thời điểm người bị thiệt hại ký vào biên bản thương lượng lần cuối cùng khi thương lượng việc giải quyết bồi thường.
4. Ban hành quyết định giải quyết bồi thường sau khi thương lượng
Sau khi thương lượng mức bồi thường, trong hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thương lượng, người đại diện phải hoàn thành dự thảo quyết định giải quyết bồi thường để báo cáo thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Căn cứ vào kết quả xác minh thiệt hại, thương lượng với người bị thiệt hại và ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường ban hành quyết định giải quyết bồi thường.
5. Chi trả tiền bồi thường
Trong hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày bản án, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải chuyển ngay hồ sơ đề nghị bồi thường đến cơ quan quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự ở trung ương để thực hiện thủ tục cấp phát, chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại, cụ thể:
- Trong trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp quản lý thì phải chuyển hồ sơ đề nghị bồi thường đến Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp.
- Trong trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan thi hành án dân sự do Bộ Quốc phòng quản lý thì phải chuyển hồ sơ đề nghị bồi thường đến Cục Thi hành án dân sự - Bộ Quốc phòng.
Thủ tục cấp, chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại thực hiện theo quy định tại Chương VI của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và pháp luật có liên quan.
Xem chi tiết tại dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn bồi thường thuộc trách nhiệm Nhà nước trong thi hành án dân sự, và thay thế Thông tư liên tịch 24/2011/TTLT-BTP-BQP.
Cập nhật bởi nguyenanh1292 ngày 11/07/2015 09:25:35 SA