Chào bạn,
Về câu hỏi của bạn, căn cứ các tài liệu liên quan, chúng tôi xin trả lời như sau:
Cát sỏi là loại khoáng sản thuộc nhóm vật liệu xây dựng. Do vậy các hoạt động khai thác cát sỏi được điều chỉnh bởi Luật Khoáng sản (sửa đổi, bổ sung năm 2005) và các văn bản quy định về hoạt động khoáng sản. Tất cả các tổ chức, cá nhân khi hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông phải có giấy phép của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố cấp giấy phép khảo sát, giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn; giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản đối với khu vực đã được điều tra, đánh giá hoặc thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản mà không nằm trong quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản của cả nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc không thuộc diện dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia;
Thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động khoáng sản bao gồm:
- Đơn xin cấp giấy phép kèm theo bản đồ khu vực dự kiến xin phép;
- Đề án hoạt động khoáng sản (Khảo sát, thăm dò, khai thác, gia hạn) trong đó nêu rõ cơ sở địa chất và các loại khoáng sản là đối tượng xin phép hoạt động khoáng sản, phương pháp và khối lượng thực hiện; thời hạn, tiến độ thực hiện và nguồn tài chính;
- Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định (*);
- Báo cáo nghiên cứu khả thi khai thác khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt theo quy định (*);
- Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (*);
- Bản sao văn bản xác nhận về tư cách pháp nhân có chứng thực của công chứng nhà nước của tổ chức xin phép
Thời gian thực hiện việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản như sau:
- Sở Tài nguyên và Môi trường được Uỷ ban nhân dân thành phố uỷ quyền thẩm định hồ sơ xin phép hoạt động khoáng sản và trình Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét cấp phép;
- Thời hạn thụ lý giải quyết hồ sơ của Sở Tài nguyên và Môi trường được tính kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ:
• Giấy phép khảo sát thăm dò khoáng sản: từ 60 đến 90 ngày làm việc
• Giấy phép khai thác khoáng sản : 30 ngày làm việc
Diện tích khu vực được cấp phép hoạt động khoáng sản có được giới hạn như sau:
- Diện tích khu vực khảo sát khoáng sản được cấp cho một giấy phép khảo sát khoáng sản không quá năm trăm kilômet vuông (500 km2)
- Diện tích khu vực thăm dò của một giấy phép thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường ở vùng đất liền không quá hai kilômet vuông (02 km2), ở vùng có mặt nước không quá một kilômet vuông (01 km2).
- Diện tích khu vực thăm dò của một giấy phép thăm dò nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không quá hai kilômet vuông (02 km2)
- Diện tích khu vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của một giấy phép trong trường hợp không bắt buộc phải tiến hành thăm dò khoáng sản không quá mười (10 ha) đối với một tổ chức và không quá một (01 ha) đối với cá nhân.
- Diện tích khu vực khai thác tận thu của một giấy phép cấp cho một tổ chức không quá mười (10) ha, cho một cá nhân không quá một (01) ha
Các tổ chức, cá nhân được các Bộ-ngành TW như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng… cấp phép nạo vét tận thu khoáng sản quy định như sau:
- Không phải lập thủ tục xin phép nhưng phải có báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản tại địa phương là Sở Tài nguyên và Môi trường trước khi thực hiện công tác nạo vét đã được Trung ương cấp phép.
- Hồ sơ báo cáo gồm:
+ Hồ sơ pháp lý có liên quan đến tổ chức, cá nhân;
+ Giấy phép hoạt động nạo vét tận thu của Bộ cấp phép;
+ Phương án hoặc đề án hoạt động khoáng sản được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt trong đó nêu rõ cơ sở địa chất và các loại khoáng sản là đối tượng xin phép hoạt động khoáng sản, phương pháp và khối lượng thực hiện; thời hạn, tiến độ thực hiện và nguồn tài chính
+ Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường
Ngoài ra, đơn vị nạo vét tận thu trên địa bàn tỉnh, thành phố phải thực hiện Báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý về khối lượng, trữ lượng và tiến độ thực hiện nạo vét.
Tổ chức, cá nhân muốn thực hiện việc xuất nhập khẩu khoáng sản hoặc nhập khẩu ủy thác thì cần có điều kiện gì như sau:
- Khoáng sản được khai thác từ các mỏ không nằm trong quy hoạch và cân đối phục vụ cho chế biến trong nước và đã qua chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng và điều kiện được các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS xác nhận.
- Doanh nghiệp được phép xuất khẩu khoáng sản là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đủ điều kiện theo quy định của Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hóa với nước ngoài và phải đáp ứng được một trong các điều kiện sau:
a. Có Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản còn hiệu lực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
b. Có Giấy phép chế biến khoáng sản còn hiệu lực, có Hợp đồng mua khoáng sản để chế biến với tổ chức, cá nhân có Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản còn hiệu lực.
c. Có Hợp đồng mua khoáng sản hoặc Hợp đồng ủy thác xuất khẩu khoáng sản với tổ chức, cá nhân có Giấy phép khai thác khoáng sản. Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản hoặc Giấy phép chế biến khoáng sản còn hiệu lực.
- Các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh cát xây dựng phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có giấy phép đăng ký kinh doanh vật liệu xây dựng có điều kiện
- Có giấy phép đăng ký thành lập DN theo quy định pháp luật;
- Có Giấy phép mở bến thủy nội địa do cơ quan có thẩm quyền cấp;
- Phương tiện bơm hút, vận chuyển cát phải có giấy chứng nhận đã đăng kiểm kỹ thuật của cơ quan chức năng;
- Có đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường bến bãi kinh doanh;
- Hoạt động kinh doanh cát phải có hóa đơn chứng từ ghi rõ nguồn gốc mua bán cát.
Việc khai thác cát cần tuân thủ quy định để bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác như sau:
- Tổ chức cá nhân được phép hoạt động khoáng sản phải sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu và thực hiện các qui định khác của Luật bảo vệ Môi trường để hạn chế tối đa tác động xấu đến các thành phần môi trường ; thực hiện việc phục hồi môi trường, môi sinh và đất đai sau khi kết thúc từng giai đoạn hoặc toàn bộ hoạt động khoáng sản.
- Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản phải chịu mọi chi phí bảo vệ, phục hồi môi trường, môi sinh và đất đai. Chi phí bảo vệ, phục hồi môi trường, môi sinh và đất đai ph���i được xác định và báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo nghiên cứu khả thi về khai thác, chế biến khoáng sản hoặc đề án thăm dò khoáng sản. Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản phải ký quỹ tại mội Ngân hàng Việt Nam hoặc Ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam để bảo đảm cho việc phục hồi Môi trường, môi sinh và đất đai.
Khai thác cát, tận thu cát phải đóng thuế tài nguyên như sau:
- Mọi hoạt động khai thác cát, tận thu cát phải đóng thuế tài nguyên;
- Thuế tài nguyên khoáng sản được tính trên sản lượng khoáng sản thương phẩm thực tế khai thác được và theo giá bán.
Tổ chức, cá nhân khai thác cát phải đóng phí bảo vệ môi trường
Vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản (đối với các trường hợp có giấy phép khai thác khoáng sản) bị xử lý như sau:
- Phạt tiền từ 500.000 đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo kế hoạch khai thác, không đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu hoạt động sản xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đến 10.000.000 đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Khai thác khoáng sản không có thiết kế mỏ; không có giám đốc điều hành mỏ theo quy định;
+ Không ký quỹ để bảo đảm phục hồi môi trường và đất đai sau khai thác và khi đóng cửa mỏ theo quy định;
+ Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo sai số liệu về hoạt động khai thác khoáng sản cho các cơ quan nhà nước có
thẩm quyền theo quy định;
+ Khai thác tận thu khoáng sản khi giấy phép đã hết hạn, trừ trường hợp đã nộp đơn xin gia hạn theo quy định.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm giấy phép đã hết hạn, trừ trường hợp đã nộp đơn xin gia hạn theo quy định;
+ Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp sau khai thác và đóng cửa mỏ theo quy định;
+ Không thanh toán tiền sử dụng số liệu, thông tin của Nhà nước về kết quả khảo sát, thăm dò khoáng sản theo quy định khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo bằng văn bản.
- Phạt tiền từ 50.000.000 đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác khoáng sản vàng, bạc, platin, đá quý, xạ - hiếm.
- Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả
+ Tước giấy phép đối với hành vi vi phạm khi có tình tiết tăng nặng theo quy định;
+ Buộc áp dụng các biện pháp tương ứng để khắc phục hậu quả gây ra
+ Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm.
Khai thác khoáng sản, khai thác cát không giấy phép bị xử lý vi phạm như sau:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm đối với khai thác khoáng sản không phải là vàng, bạc, platin, đá quý, xạ - hiếm.
- Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả
- Buộc áp dụng các biện pháp tương ứng để khắc phục hậu quả gây ra.
- Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm.
Các hành vi cản trở các hoạt động kiểm tra, thanh tra về khoáng sản của người thi hành công vụ và cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mức phạt như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.
- Người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản nếu có hành vi chống người thihành công vụ, trì hoãn, trốn tránh việc chấp hành hoặc có hành vi vi phạm khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản như sau:
* Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền đến 500.000 đồng;
- Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng;
- Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.
* Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;
- Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính;
- Tịch thu khoáng sản khai thác trái phép;
- Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền;
- Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.
* Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương :
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền đến mức tối đa đối với các lĩnh vực quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 14 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành
chính;
- Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền;
- Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính;
- Tịch thu khoáng sản khai thác trái phép;
- Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản của Thanh tra về khoáng sản như sau:
* Thanh tra viên về khoáng sản đang thi hành công vụ có quyền:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền đến 200.000 đồng;
- Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm có giá trị đến 2.000.000 đồng;
- Đình chỉ hành vi vi phạm, buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.
* Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường có quyền:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;
- Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính;
- Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền;
- Đình chỉ hành vi vi phạm, buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.
* Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyền:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;
- Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính;
- Tịch thu khoáng sản khai thác trái phép;
- Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền;
- Đình chỉ hành vi vi phạm, buộc khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.
Các hành vi nào bị cấm theo Luật giao thông thủy nội địa như sau:
- Phá hoại công trình giao thông đường thuỷ nội địa; tạo vật chướng ngại gây cản trở giao thông đường thuỷ nội địa.;
- Mở cảng, bến thuỷ nội địa trái phép; đón, trả người hoặc xếp, dỡ hàng hoá không đúng nơi quy định;
- Xây dựng trái phép nhà, lều quán hoặc các công trình khác trên đường thuỷ nội địa và phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa;
- Đổ đất, đá, cát, sỏi hoặc chất thải khác, khai thác trái phép khoáng sản trong phạm vi luồng và hành lang bảo vệ luồng; đặt cố định ngư cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thuỷ sản trên luồng;
- Đưa phương tiện không đủ điều kiện hoạt động theo quy định tham gia giao thông đường thuỷ nội địa; sử dụng phương tiện không đúng công dụng hoặc không đúng vùng hoạt động theo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của cơ quan đăng kiểm;
- Bố trí thuyền viên không đủ định biên theo quy định khi đưa phương tiện vào hoạt động; thuyền viên, người lái phương tiện làm việc trên phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc bằng, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp;
- Chở hàng hoá độc hại, dễ cháy, dễ nổ, động vật lớn chung với hành khách; chở quá sức chở người của phương tiện hoặc quá vạch dấu mớn nước an toàn;
- Làm việc trên phương tiện khi trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc 40 miligam/1lít khí thở hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng;
- Bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm; xâm phạm tính mạng, tài sản khi phương tiện bị nạn; lợi dụng việc xảy ra tai nạn làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn;
- Vi phạm báo hiệu hạn chế tạo sóng hoặc các báo hiệu cấm khác;
- Tổ chức đua hoặc tham gia đua trái phép phương tiện trên đường thuỷ nội địa; lạng lách gây nguy hiểm cho phương tiện khác;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, gây phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ; thực hiện hoặc cho phép thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa;
- Các hành vi khác vi phạm pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa.
Khi thi công công trình trong phạm vi các tuyến giao thông thủy nội địa, hành vi bị xem là vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông thủy nội địa như sau
- Không có chứng chỉ chuyên môn khi điều khiển phương tiện, thiết bị thi công;
- Không có phương án bảo đảm an toàn giao thông thủy nội địa đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa đã được duyệt.
- Để phương tiện, thiết bị thi công gây cản trở giao thông;
- Không bàn giao hồ sơ công trình liên quan đến phạm vi bảo vệ luồng cho đơn vị quản lý đường thủy nội địa khi thi công xong công trình;
- Đổ bùn, đất, đá, cát, sỏi không đúng nơi quy định trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng hoặc không đúng phạm vi luồng quy định khi thi công nạo vét đường thủy nội địa.
Các tổ chức, cá nhân khi thi công công trình, khai thác khoáng sản trong phạm vi bảo vệ luồng phải tuân theo các quy định như sau:
- Phải bảo đảm chiều cao, chiều rộng khoang thông thuyền, độ sâu an toàn của đáy luồng theo tiêu chuẩn cấp kỹ thuật tuyến đường thuỷ nội địa được xác định trong quy hoạch đã công bố;
- Được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thuỷ nội địa ( Sở Giao thông công chính hoặc Cảng vụ đường thủy nội địa ) chấp thuận bằng văn bản phương án bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn trước khi thi công công trình hoặc khai thác khoáng sản
- Khi hoàn thành công trình hoặc kết thúc việc khai thác khoáng sản phải thanh thải vật chướng ngại do xây dựng công trình, khai thác khoáng sản gây ra và được đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa phụ trách khu vực xác nhận giao thông trên luồng được bảo đảm như trước khi thi công công trình, khai thác khoáng sản;
- Bàn giao hồ sơ công trình liên quan đến phạm vi bảo vệ luồng cho đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa;
- Bồi thường thiệt hại phát sinh liên quan đến phạm vi bảo vệ luồng do thi công công trình hoặc khai thác khoáng sản gây ra.
Phạm vi bảo vệ kè giao thông được quy định như sau:
- Đối với kè ốp bờ được tính từ đầu kè và từ cuối kè trở về hai phía thượng lưu và hạ lưu, mỗi phía 50 mét; từ đỉnh kè trở vào phía bờ tối thiểu 10 mét; từ chân kè trở ra phía luồng 20 mét;
- Đối với kè mỏ hàn, bao gồm cụm kè, kè đơn được tính từ chân kè về hai phía thượng lưu và hạ lưu, mỗi phía 50 mét; từ gốc kè trở vào phía bờ 50 mét; từ chân đầu kè trở ra phía luồng 20 mét;
- Phạm vi bảo vệ đập giao thông được tính từ hai đầu đập theo trục dọc về mỗi phía 50 mét, từ chân đập phía thượng lưu trở về phía thượng lưu và từ chân đập phía hạ lưu trở về phía hạ lưu, mỗi phía 100 mét.
Trong phạm vi bảo vệ kè, đập giao thông không được thực hiện các hành vi sau đây:
- Để vật liệu, phương tiện, thiết bị gây sạt lở kè, đập;
- Neo, buộc phương tiện;
- Sử dụng chất nổ, khai thác khoáng sản hoặc có hành vi khác gây ảnh hưởng đến kè, đập.
Câu 6: Các phương tiện nào phải làm thủ tục đăng kiểm?
- Phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần >=5 tấn, có sức chở > 12 người.
- Phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính >= 5 mã lực, có sức chở >=5 người
Các phương tiện thủy nội ��ịa không thuộc diện đăng kiểm(Phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần <5 tấn hoặc có sức chở >=12 người và Phương tiện có động cơ công suất máy chính < 5 mã lực hoặc có sức chở <5 người ) phải đăng ký điều kiện an toàn hoạt động.
VĂN BẢN LUẬT LIÊN QUAN LĨNH VỰC KHOÁNG SẢN
• Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 ;
• Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005 ;
• Nghị định 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản
• Nghị định của Chính phủ số 150/2004/NĐ-CP ngày 29/7/2004 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản;
• Nghị định số 68/1998/NĐ-CP ngày 03/9/1998 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thuế tài nguyên (sửa đổi);
• Thông tư của Bộ tài chính số 105/2005/TT-BTC ngày 30 tháng 11 năm 2005 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 137/2005/NĐ-CP ngày 09/11/2005 của Chính phủ về Phí bảo vệ Môi trường đối với khai thác khoáng sản;
• Thông tư số 04/1999/TT-BXD ngày 15/7/1999 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 3/3/1999 của Chính phủ đối với mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện
• Chỉ thị số 16/2002/CT-TTg ngày 31/7/2002 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi kết hợp tận thu cát;
• Chỉ thị số 21/2004/CT-UBND ngày 09/8/2004 của UBNDTP về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn TPHCM;
• Công văn số 5119/VPCP-V.I ngày 09/9/2005 của Văn phòng Chính phủ về việc quản lý hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản.
· VĂN BẢN LUẬT LIÊN QUAN LĨNH VỰC GTT
• Luật Giao thông đường thuỷ nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
• Nghị định số 21/2005/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa;
• Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thủy nội địa
• Quyết định số 27/2005 ngày 17 tháng 5 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về quản lý đường thủy nội địa
• Quyết định số 19/2005/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 3 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về quy định điều kiện an tòan của phương tiện thủy nội địa phải đăng ký nhưng không thuộc diện đăng kiểm;
• Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2005 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải về việc ban hành quy chế quản lý họat động của Cảng, bến thủy nội địa
• Quyết định số 29/2004/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ngày 07 tháng 12 năm 2004 về ban hành Quy định về đăng ký phương tiện thuỷ nội địa;
• Quyết định số 25/ 2004/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định về đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa;
• Quyết định Số 150/2004/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân thành phố ngày 09 tháng 6 năm 2004 về ban hành Quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông,kênh,
Bạn vui lòng liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải (hoặc Sở Giao thông Công chính) nơi bạn định khai thác cát để được hướng dẫn chi tiết.
Trân trọng.
Luật sư Trương Thế Minh
Di động 0909097070
Email: ls.minh@yahoo.com
www.luatsuminh.com
Cập nhật bởi LawSoft05 ngày 23/09/2010 11:30:17 AM
Luật sư Trương Thế Minh
Di động 0909097070
Email: minh@luatsuminh.com
www.luatsuminh.com