Xin chào Luật sư Cao Sỹ Nghị và asialaw.
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Ls Nghị về câu trả lời cho asialaw,
Nhân đây xin được trao đổi và trích dẫn thêm một số quy định về vấn đề này như sau:
Căn cứ vào đặc điểm, tính chất công việc thường xuyên lâu dài hay tạm thời?, thời hạn, thời điểm chấm dứt của công việc khi nào? có thể xác định được thời điểm kết thúc công việc hay không? Khi đó công ty sẽ áp dụng một trong các loại hợp đồng lao động (HĐLĐ) và phải tuân thủ đúng về mặt hình thức cũng như đảm bảo về nội dung của các loại HĐLĐ này theo quy định của pháp luật về lao động cụ thể tại:
- Điều 27, 28, 29 Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung (BLLĐ);
- Điều 3, 4 Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 09/05/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về HĐLĐ;
- Mục I, Thông tư 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/09/2003 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/05/2003 của Chính phủ về HĐLĐ (Thông tư 21/2003/TT-BLĐTBXH).
Các điều khoản trên quy định về loại HĐLĐ, hình thức và nội dung HĐLĐ như sau:
1. Loại HĐLĐ:
- HĐLĐ không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. HĐLĐ không xác định thời hạn áp dụng cho những công việc không xác định được thời điểm kết thúc hoặc những công việc có thời hạn trên 36 tháng;
- HĐLĐ xác định thời hạn (1) là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. HĐLĐ xác định thời hạn áp dụng cho những công việc xác định được thời điểm kết thúc trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng;
- HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng (2) áp dụng cho những công việc có thể hoàn thành trong khoảng thời gian dưới 12 tháng hoặc để tạm thời thay thế người lao động bị kỷ luật chuyển làm công việc khác có thời hạn, người lao động tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, người lao động nghỉ việc vì lý do khác và hợp đồng với người đã nghỉ hưu.
Không được giao kết HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ các trường hợp đã nêu trên.
Khi HĐLĐ loại (1) và (2) hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới. Trong thời gian chưa ký được HĐLĐ mới, hai bên phải tuân theo HĐLĐ đã giao kết. Khi hết thời hạn 30 ngày mà không ký HĐLĐ mới, HĐLĐ đã giao kết trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn. Trường hợp ký HĐLĐ mới là hợp đồng xác định thời hạn, thì chỉ được ký thêm một thời hạn không quá 36 tháng, sau đó nếu người lao động tiếp tục làm việc thì ký HĐLĐ không xác định thời hạn; nếu không ký thì đương nhiên trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn.
Riêng đối với người đã nghỉ hưu, hai bên được ký kết nhiều lần loại hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
2. Hình thức HĐLĐ:
HĐLĐ được ký kết bằng văn bản và phải được làm thành hai bản theo Mẫu số 1 kèm theo Thông tư 21/2003/TT-BLĐTBXH, mỗi bên giữ một bản.
Đối với một số công việc có tính chất tạm thời mà thời hạn dưới 03 tháng hoặc đối với lao động giúp việc gia đình thì các bên có thể giao kết bằng miệng. Trong trường hợp giao kết bằng miệng, thì các bên đương nhiên phải tuân theo các quy định của pháp luật lao động (phải bảo đảm nội dung theo qui định tại khoản 1 Điều 29 của BLLĐ).
3. Nội dung HĐLĐ:
HĐLĐ phải có những nội dung chủ yếu sau đây: công việc phải làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, địa điểm làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội đối với người lao động.
Như vậy, theo các quy định nêu trên công ty bạn không được ký HĐLĐ có thời hạn 5 năm với người lao động.
Trường hợp công ty bạn buộc người lao động ký cam kết, thỏa thuận kèm theo HĐLĐ với nội dung “sau khi hết thời hạn 03 năm, người lao động phải ký tiếp 01 hợp đồng làm việc 02 năm nữa với công ty” thì cam kết hoặc thỏa thuận này cũng không được pháp luật công nhận.
Cho dù người lao động có đồng ý ký vào bản cam kết nêu trên thì cam kết này cũng không có giá trị pháp lý. Bởi vì thời hạn làm việc của người lao động chỉ bị ràng buộc theo thỏa thuận trong HĐLĐ thời hạn 36 tháng đã giao kết giữa hai bên, do đó khi HĐLĐ thời hạn 36 tháng này hết hạn thì HĐLĐ sẽ rơi vào trường hợp đương nhiên chấm dứt, vì vậy người lao động có quyền nghỉ mà không bị ràng buộc bởi văn bản cam kết, thỏa thuận ở trên đã ký với công ty.
Hy vọng nội dung trả lời trên đây sẽ giải đáp phần nào thắc mắc của bạn, Nếu có điều chi chưa rõ hoặc cần trao đổi thêm vui lòng liên lạc lại theo địa chỉ email: lsgiadinh@gmail.com
Thân mến chào bạn.
_____________________
Luật sư Phạm Hiếu Nghĩa
Legal Vietnam Law Office
Cập nhật bởi lsgiadinh ngày 13/01/2011 03:39:23 AM