Chào bạn,
Về vấn đề của bạn, Luật sư Đào Thị Liên – Công ty Luật Tiền Phong tư vấn cho bạn như sau:
1. Thành lập Công ty mới do 1 Công ty cổ phần và 1 Công ty TNHH góp vốn:
Trong trường hợp Công ty bạn muốn hợp tác với 1 Công ty TNHH khác để thành lập một Công ty mới thì Công ty bạn có thể lựa chọn hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên với thành viên là tổ chức. Công ty mới thành lập là một pháp nhân có tư cách hoàn toàn độc lập với các Công ty thành lập, được quyền tham gia ký kết các hợp đồng với tư cách độc lập.
Theo quy định tại Điều 38 Luật Doanh nghiệp, đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có một số đặc điểm cơ bản sau:
- Công ty không được quyền phát hành cổ phần;
- Các thành viên Công ty chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh và không được quyền rút vốn ra khỏi Công ty dưới mọi hình thức trừ trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp cho người khác hoặc được Công ty mua lại;
- Các thành viên được quyền chia lợi nhuận và biểu quyết tương ứng với phần vốn góp vào Công ty;
- Cơ cấu tổ chức quản lý công ty gồm có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát (nếu có), trong đó Hội đồng thành viên (gồm các thành viên) là cơ quan quyết định cao nhất của Công ty.
Bạn có thể tham khảo thêm thủ tục thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên tại đây cũng như cách thức hoạt động của Công ty Trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
2. Năng lực kinh nghiệm khi tham gia đấu thầu:
Theo quy định tại Điều 5 Luật đấu thầu năm 2013, nhà thầu là tổ chức có tư cách hợp lệ phải đáp ứng được điều kiện “có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu đang hoạt động cấp và hạch toán tài chính độc lập”.
Đồng thời trong Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu thì tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu sẽ đánh giá dựa trên các nội dung:
- Kinh nghiệm thực hiện các gói thầu tương tự; kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính có liên quan đến việc thực hiện gói thầu;
- Năng lực sản xuất và kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ cán bộ chuyên môn có liên quan đến việc thực hiện gói thầu;
- Năng lực tài chính: Tổng tài sản, tổng nợ phải trả, tài sản ngắn hạn, nợ ngắn hạn, doanh thu, lợi nhuận, giá trị hợp đồng đang thực hiện dở dang và các chỉ tiêu cần thiết khác để đánh giá năng lực về tài chính của nhà thầu.
Việc xác định mức độ yêu cầu cụ thể đối với từng tiêu chuẩn của nhà thầu cần căn cứ theo yêu cầu của từng gói thầu cụ thể. Như vậy, nếu tham gia đấu thầu thì Công ty mới phải sử dụng chính năng lực và kinh nghiệm của Công ty mới để tham gia dự thầu. Việc bổ sung thêm các thông tin về năng lực và kinh nghiệm của Công ty bạn và Công ty đối tác có thể được xem xét là một trong những chỉ tiêu bổ sung, góp phần nâng cao năng lực và khả năng đảm bảo tài chính, kinh nghiệm của Công ty mới chứ không phải là yếu tố quyết định việc đạt tiêu chuẩn để đấu thầu.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.
Thân chúc bạn sức khỏe, thành công.
Trân trọng./.