Như chúng ta đã biết, án lệ đã được chính thức áp dụng tại Việt Nam theo Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP và bắt đầu có hiệu lực từ 16/12/2015. Những ưu điểm của việc áp dụng án lệ là đã tương đối rõ ràng khi nhìn vào hệ thống pháp luật của những nước theo hệ thống thông luật. Tuy nhiên, không phải vì thế mà án lệ không có những điểm hạn chế nhất định của nó, đặc biệt là khi được áp dụng tại Việt Nam.
\
Thứ nhất, “Ở nước ta, án dân sự xử thế nào cũng được”- đây là một câu nói của cố Chánh án TAND tối cao Trịnh Hồng Dương phát biểu tại một kỳ họp Quốc hội. Câu nói này đã từng gây bão trong dư luận nhưng về mặt tổng quan, câu nói này hoàn toàn đúng đối với nước ta hiện nay. Trong những vụ án có tình tiết hầu hết đều giống nhau, nhưng mỗi thẩm phán lại có thể tuyên 1 bản án khác nhau, thậm chí là đối lập nhau về nội dung.
Chúng ta có thể đổ lỗi rằng quy định của pháp luật dân sự nước ta hiện nay là không cụ thể rõ ràng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một điều, trình độ của thẩm phán nước ta hiện nay là không tương xứng với sự phát triển của pháp luật.
Trong nhiều trường hợp, đặc biệt tại những cấp huyện, kiến thức và sự hiểu biết pháp luật của thẩm phán chỉ ở mức sơ xài, không hề mang tính chuyên sâu. Việc áp dụng án lệ một cách chính xác và hiệu quả đòi hỏi ở người thẩm phán một cái nhìn toàn diện về pháp luật, không những thế, họ còn phải là những người chuyên sâu về lĩnh vực đó và nắm bắt được tinh thần pháp luật xuyên suốt của cả hệ thống pháp luật mà họ đang xét xử. Với trình độ thẩm phán hiện nay, việc áp dụng án lệ sẽ có thể trở thành một con dao 2 lưỡi.
Thứ hai, án lệ được xem như một nguồn luật nhưng nguồn luật này lại không mang tính thống nhất và hệ thống cao như nguồn luật văn bản. Trong quá trình xét xử, mục đích của những thẩm phán đơn thuần lại giải quyết các tranh chấp phát sinh trong vụ án. Họ khó có thể vừa giải quyết những tranh chấp trong vụ án cụ thể, vừa tìm cách để có một bản án mang tính hệ thống cao nhằm sử dụng cho việc áp dụng sau này.
Điều này dẫn tới việc, 1 vụ án sau này được dụng án lệ sẽ dẫn đến những tranh cãi nhất định bởi lẽ về cơ bản, không có vụ án dân sự nào là hoàn toàn giống nhau và đương sự vẫn có thể tìm được những điểm khác nhau, thậm chí là khác nhau rất lớn để tạo ra những tranh cãi không đáng có. Điều này rất hiếm khi xảy ra khi áp dụng những văn bản pháp luật thông thường.
Tuy nhiên, về mặt tổng quan, việc áp dụng án lệ đối với Việt Nam hiện nay có thể được xem là một bước tiến trong tư duy lập pháp. Tuy vậy, chúng ta cần có sự nhìn nhận đúng đắn về những hạn chế của nguồn luật này nhằm giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng tiêu cực mà những hạn chế này có thể mang đến.
Cập nhật bởi nguyenquocbao2795 ngày 01/04/2016 08:35:59 CH
Cập nhật bởi nguyenquocbao2795 ngày 01/04/2016 11:14:11 SA