Tới quán Cafe nổi tiếng và quen thuộc, có hôm tôi gọi một tô bún mọc, nhưng mấy viên mọc bốc mùi thiu không thể nuốt nổi. Khi trả tiền, vừa mới hỏi sao lại đem thứ như thế cho khách ăn? Cô phục vụ cười tươi như hoa và thản nhiên: sao anh khó tính thế? Một kiểu giao dịch không sòng phẳng chỉ làm lợi cho chủ quán, vi phạm thỏa thuận bất thành văn tiền nào của nấy, nhưng mấy ai coi đó là gian dối? Chỉ vài viên mọc thiu mà cũng kiếm chuyện! Chuyện nhỏ.
Bạn đã từng đi chợ, hẳn không ít lần về nhà mới phát hiện ở giữa bó rau hay gói trái cây là thứ gì đó khác hẳn vẻ tươi ngon của lớp che đậy bên ngoài. Họ chẳng sòng phẳng, họ không giữ thỏa thuận. Gian dối thật. Nhưng, ai mà chẳng vài lần bị như thế. Chuyện nhỏ, tức mà chi, giận dữ để làm gì.
Bạn đầu tư cho con học ở trường quốc tế vì được hứa hẹn có bằng tốt nghiệp liên thông quốc tế, con bạn sẽ được học tiếp ở những đại học danh tiếng của nước ngoài. Nhưng, giữa chừng cái trường quốc tế ấy biến mất khỏi Việt nam. Họ chẳng giữ lời. Rõ là gian dối, là lừa đảo. Nhưng, bạn có thể làm được gì, ai có thể giúp bạn làm được gì? Thôi, cho qua, đành coi là chuyện nhỏ.
Đã bao lần chính phủ cam kết không tăng giá xăng, nhưng ngay sau đó không những tăng, mà là tăng cao thật ngoạn mục. Chính phủ không giữ lời để bảo đảm lợi nhuận cho các công ty xăng dầu. Gian dối ư? Không đời nào. Khiếu nại ư? Giá dầu thế giới tăng thì ta cũng phải tăng chứ. Thế còn lời cam kết? Sao anh khó tính thế.
Từ bao giờ, chúng ta đã quen với sự không sòng phẳng, thất hứa, với việc không giữ đúng thỏa thuận trong những quan hệ nho nhỏ để ngày hôm nay trở thành dửng dưng trước sự gian dối ở khắp nơi, trong mọi lĩnh vực như vậy?
Chủ cây xăng gian lận, nhân viên bán xăng cũng gian lận. Tích tiểu thành đại, số tiền gian lận là rất lớn. Nhưng, với người tiêu dùng, số tiền bị móc túi chỉ vài ngàn đồng một lần đổ xăng. Đủ cho một cái lắc đầu khó chịu rồi bỏ qua. Đến khi nào mỗi người trong chúng ta biết phẫn nộ vì sự gian dối, không sòng phẳng?
Chắc cũng có lúc bạn thực sự tức giận, nhất là khi trực tiếp phát hiện bị gian lận ngay trong khi đổ xăng. Bạn phẫn nộ vì sự gian dối, bạn muốn làm cho ra lẽ phải trái. Nhưng, xung quanh bạn là những gương mặt thờ ơ, ái ngại; trước mặt bạn là đội ngũ bảo vệ cây xăng đằng đằng sát khí. Biết khi nào bạn có quyền tin rằng Nhà nước, công an, cơ quan công quyền và mọi người sẵn sàng cùng bạn vạch mặt sự gian dối.
Chắc còn nhiều cây xăng đàng hoàng, bán đúng chất lượng, đủ số lượng. Nhưng họ được hộ trợ thế nào để cạnh tranh với các cây xăng gian lận? Đến khi nào Luật Cạnh tranh mới được vận dụng để trừng trị tức khắc các cây xăng gian lận, bảo vệ và khuyến khích các cây xăng đàng hoàng?
Gian lận xăng dầu-chuyện nhỏ của cá nhân, chuyện lớn của dân tộ