Chào bạn! Luật Hải Nguyễn xin tư vấn cho bạn như sau
Theo như lời trình bày của bạn, di sản thừa kế của ba bạn để lại đã bị em trai bạn sang tên trái phép và đã chiếm đoạt số tài sản ấy. Nhưng hiện nay em trai bạn cũng đã chết, và tài sản này sẽ thuộc phần quyền thừa kế của vợ con em trai bạn. Nay bạn muốn được hưởng thừa kế mà ba bạn để lại.
Để có thể thừa kế 1/10 tổng số đất đai mà ba bạn để lại, bạn cần phải chứng minh và làm các thủ tục sau đây:
Thứ nhất, bạn phải thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh thửa đất em trai bạn (đã chết) hiện nay là em dâu bạn đang quản lý và sử dụng có nguồn gốc là của bố bạn.
Thứ hai, bạn cần chứng minh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đât (gọi chung là sổ đỏ) của em trai bạn đã được cấp là trái với quy định của pháp luật.
Khi bạn đã thu thập được đầy đủ chứng cứ để chứng minh đơn khởi kiện của bạn là có căn cứ và hợp pháp thì bạn cần phải làm đơn khởi kiện vụ án hành chính và vụ án dân sự.
Về vụ án hành chính, bạn làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy sổ đỏ mà UBND đã cấp sai quy định của pháp luật. Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ưng (gọi chung là tòa án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết về vụ án hành chính nêu trên (vì quyết định hành chính được ban hành là của UBND cấp huyện hoặc tỉnh).
Song song với vụ án hành chính, bạn nên là đơn khởi kiện đến Tòa ns nhân dân cấp huyện nơi có thửa đất trên, yêu cầu Tòa án giải quyết chia thừa kế theo pháp luật (vì trước khi chết, ba bạn không để lại di chúc).
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế theo pháp luật được quy định như sau:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Điều 652. Thừa kế thế vị
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Trên đây là tư vấn của Luật Hải Nguyễn.
Thân chào! (NV:HĐT)
Công Ty Luật Hải Nguyễn và cộng sự - Hotline: 0973.509.636
Website: www.lamchuphapluat.vn - Email: luathainguyen@gmail.com