Công chức nữ nghỉ thai sản - Ảnh minh họa
Trong thời gian nghỉ thai sản, người lao động được hưởng chế độ từ Bảo hiểm xã hội, tuy nhiên đối với công chức, thời gian hưởng Bảo hiểm xã hội có ảnh hưởng gì đến các phụ cấp khác hay không?
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định đối tượng áp dụng các chính sách của luật này bao gồm:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
…
c) Cán bộ, công chức, viên chức
…”
Đối với Bảo hiểm xã hội, nữ công chức, viên chức được hưởng những quyền lợi khác như với lao động thông thường.
Tuy nhiên, đặc thù của công chức, viên chức là ở mỗi ngành nghề, mỗi khu vực đều có chính sách riêng, quy định cụ thể như sau:
Phụ cấp công vụ áp dụng với tất cả công chức
Phụ cấp công vụ được quy định tại Nghị định 34/2012/NĐ-CP, trong đó:
Khoản 2 Điều 4 Nghị định quy định thời gian không được tính hưởng phụ cấp công vụ, bao gồm:
- Thời gian đi công tác, làm việc học tập ở nước ngoài được hưởng 40% tiền lương theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;
- Thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam.
Theo đó, thời gian hưởng BHXH, công chức không được hưởng phụ cấp công vụ.
Phụ cấp thu hút dành cho công chức đang công tác và đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Thực hiện theo Thông tư 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT, Nghị định 76/2019/NĐ-CP theo đó:
Khoản 3 Điều 13 Nghị định 76 Hướng dẫn thời gian không tính hưởng các phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định này bao gồm:
- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập không ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 01 tháng trở lên;
- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;
- Thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam.
Thời gian nghỉ thai sản được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, nghĩa là phụ cấp thu hút không được áp dụng trong thời gian này.
Ngoài ra, những phụ cấp, trợ cấp khác tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP đều không được áp dụng trong thời gian nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội (trong đó có nghỉ thai sản).
Phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập
Thực hiện theo Nghị định 56/2011/NĐ-CP và Thông tư 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC
Trong đó Điều 3 Thông tư 02 quy định thời gian không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi là:
- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 204/2004/NĐ-CP;
- Thời gian đi học tập ở trong nước liên tục trên 3 tháng, không trực tiếp làm chuyên môn y tế theo nhiệm vụ được phân công đối với công chức, viên chức;
- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên;
- Thời gian nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Thời gian tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác hoặc đình chỉ làm chuyên môn y tế từ 1 tháng trở lên.
- Thời gian được cơ quan có thẩm quyền điều động đi công tác, làm việc không trực tiếp làm chuyên môn y tế liên tục từ 1 tháng trở lên.
Công chức nữ trong các cơ sở y tế công lập sẽ không được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề trong thời gian nghỉ thai sản
Những phụ cấp trợ cấp tại từng ngành nghề sẽ có quy định thời gian không tính hưởng khác nhau.
Mời bạn đọc đóng góp những phụ cấp không được hưởng trong thời gian nghỉ thai sản.
Cập nhật bởi vankhanhnhu ngày 12/11/2020 11:07:31 SA