Thứ tự thanh toán các khoản nợ khi giải thể doanh nghiệp như thế nào? Doanh nghiệp giải thể trong thời gian nghỉ thai sản có được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ? Quyền của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động khi doanh nghiệp giải thể?
Thứ tự thanh toán các khoản nợ khi giải thể doanh nghiệp như thế nào?
Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên được quy định tại khoản 5 Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
- Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
- Nợ thuế;
- Các khoản nợ khác;
Sau khi đã thanh toán chi phí giải thể doanh nghiệp và các khoản nợ, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần;
Doanh nghiệp giải thể trong thời gian nghỉ thai sản có được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ?
Tại khoản 1 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản như sau:
"1. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước."
Theo đó, để được hưởng chế độ dưỡng sức sau thai sản thì người lao động phải đáp ứng những điều kiện sau:
- Trong thời gian 30 ngày đầu quay trở lại làm việc
- Sức khỏe chưa phục hồi
Mặt khác, Tại khoản 7 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019, trong trường hợp doanh nghiệp giải thể thuộc trường hợp người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
Theo đó, khi doanh nghiệp giải thể thì hợp đồng lao động của người lao động cũng sẽ chấm dứt.
Như vậy, nếu trong thời gian nghỉ thai sản, đồng thời doanh nghiệp trong thời gian này giải thể thì hợp đồng lao động chấm dứt.
Quyền của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động khi doanh nghiệp giải thể?
Tại Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định khi chấm dứt hợp đồng lao động thì các bên có nghĩa vụ như sau:
- Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
+ Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
+ Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
+ Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
+ Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
- Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
+ Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
+ Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Như vậy, khi doanh nghiệp giải thể làm chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động ưu tiên thanh toán các khoản tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động.