Tôi không biết hồ sơ vụ án cụ thể thế nào, tòa án các cấp khi xét xử đã tuyên thế nào, nếu được bạn LuatsuDoanKhacDo hãy tóm tắt các bản án để mọi người nắm rõ hơn về quan điểm của tòa án các cấp.
Còn theo như các thông tin do bạn đưa ra, thì tôi thấy dường như mọi người đưa ý kiến thảo đều tập trung vào giao dịch bảo đảm là việc cầm cố/thế chấp chiếc xe máy mà bỏ qua quan hệ chính là quan hệ cho vay tiền giữa bà Hoa và A.
Tài sản bị thiệt hại ở đây phải được xác định là khoản tiền của bà Hoa cho A vay, chứ không thể xác định là chiếc xe máy của A được.
Nguyễn Văn A không bán chiếc xe máy cho bà Hoa, cũng không giao cho bà Hoa quản lý. Mặc dù giữa bà Hoa và A có viết giấy cầm đồ rằng bà Hoa giữ xe của A, nhưng thực tế hai bên lại thỏa thuận với nhau, bà Hoa giữ giấy tờ và A giữ xe. Như vậy giao dịch cầm cố thể hiện bằng giấy cầm đồ được coi là giao dịch giả tạo, nhằm che giấu một giao dịch thực tế là giao dịch thế chấp.
Cả hai giao dịch này đều bị vô hiệu: Giao dịch cầm cố vô hiệu do là giao dịch giả tạo, giao dịch thế chấp bị vô hiệu do hiệu cầm đồ không có chức năng kinh doanh cho vay bằng hình thức nhận thế chấp tài sản.
Mặc dù hai giao dịch cầm cố và thế chấp bị vô hiệu, nhưng giao dịch chính là giao dịch cho vay tiền vẫn có hiệu lực (bạn LuatsuDoanKhacDo không nói đến lãi suất được thực hiện như thế nào, tôi coi như việc thực hiện lãi suất là phù hợp quy định của pháp luật).
Và vì bà Hoa không quản lý xe của A, A đã làm giấy tờ mới nên giấy tờ xe của A mà bà Hoa đang cầm coi như không còn giá trị để đảm bảo việc A trả tiền vay cho bà . nên xác định bà Hoa là bị hại là đúng, và cần xác định tài sản bị thiệt hại là khoản tiền bà Hoa cho A vay. Còn các ông bà trong các giao dịch với A về sau thì không ai bị thiệt hại gì, nhưng do liên quan đến tài sản là giao dịch đảm bảo cho quan hệ cho vay của bà Hoa với A nên xác định là người liên quan.
Nếu sau khi A thực hiện việc vay tiền của bà Hoa xong, đã nhận tiền của bà Hoa, giao giấy tờ xe cho bà Hoa và vẫn sử dụng chiếc xe của mình, sau đó A nảy sinh ý định báo mất giấy tờ để làm giấy tờ mới, bán xe, rồi trốn tránh hoặc bác bỏ khoản vay của bà Hoa, thì A có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Nếu ngay từ đầu, A đã có ý định dùng thủ đoạn lừa bà Hoa để bà Hoa chỉ cầm giấy tờ của mình chứ không cầm xe, để rồi A sẽ đi làm giấy tờ mới, và bán xe, thì A có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.