Có lẽ câu hỏi “Liệu Nguyễn Hà Đông có bị xử lý hình sự theo Điều mới của Bộ luật hình sự 2015 từ 01/7/2016 hay không?” đến nay vẫn là chủ đề gây tranh cãi không chỉ trong giới luât sư, những người hành nghề luật mà còn gây hoang mang, lo lắng cho các bạn trẻ khi chuẩn bị khởi nghiệp tại nước mình.
Xuất phát từ câu hỏi này chính là cách hiểu Điều 292 Bộ luật hình sự 2015: Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông
1. Người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm:
a) Kinh doanh vàng trên tài khoản;
b) Sàn giao dịch thương mại điện tử;
c) Kinh doanh đa cấp;
d) Trung gian thanh toán;
đ) Trò chơi điện tử trên mạng;
e) Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội trong trường hợp thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên hoặc có doanh thu 5.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
|
Từ điều luật này dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, tuy nhiên mình xin tóm lược 2 nhóm ý kiến chính:
1. Quy định này chẳng khác nào Tội kinh doanh trái phép vốn đã được bãi bỏ tại BLHS 2015
Nhóm ý kiến này cho rằng các nhà làm luật đang “hình sự hóa” hoạt động kinh doanh mà đặc biệt là kinh doanh trên nền tảng công nghệ cao (mạng máy tính, mạng viễn thông) vốn đang được khuyến khích phát triển trong thời kỳ hội nhập.
Hơn thế nữa, điều luật này làm cho vai trò của Giấy phép kinh doanh trên nền tảng công nghệ cao trở nên “ghê gớm” .
Đồng thời, khi đọc quy định này sẽ làm nhiều người lầm tưởng rằng, nếu ai đó mở website rao vặt, viết game hay ứng dụng kiểu Uber, Grab…mà chưa xin phép thì có nguy cơ bị phạt tù và bị tịch thu tài sản hoặc cấm đảm nhiệm ngành nghề, chức vụ.
Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của những người khởi nghiệp trẻ, khiến họ cảm thấy quê hương mình không phải là “mảnh đất màu mỡ” cho các start-up Việt đặc biệt là kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ, dễ dẫn đến nhóm khởi nghiệp này chuyển hướng sang các nơi khác như Singapore, Mỹ hoặc Hồng Kông.
2. Quy định này nhằm bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt tránh khỏi sự lừa đảo của các trang mạng
Việc khởi nghiệp kinh doanh trên nền tảng công nghệ cao là hoạt động được khuyến khích phát triển, nhất là trong giai đoạn hội nhập, nhưng việc kinh doanh này phải được pháp luật thừa nhận, nghĩa là phải có Giấy phép.
Cũng xin lưu ý là chỉ những người nào kinh doanh trên nền tảng công nghệ cao mới phải xin Giấy phép, nói đúng hơn là đề nghị cấp Giấy phép vì hiện nay, nước mình đang dần thay thế cơ chế “xin-cho” bằng cơ chế “đề nghị”.
Còn trường hợp tự viết game hoặc các ứng dụng khác thì người viết chỉ phải đăng ký bảo vệ bản quyền tác giả do mình tạo ra và đóng thuế TNCN thôi, còn việc đề nghị cấp Giấy phép là việc của những nhà cung cấp dịch vụ hoặc cá nhân, tổ chức sử dụng các game hay ứng dụng này với mục đích kinh doanh mới chịu sự điều chỉnh của Điều 292 Bộ luật hình sự 2015.
Việc yêu cầu các bên cung cấp dịch vụ, cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ với mục đích thương mại phải có Giấy phép nhằm đảm bảo an ninh trong hoạt động kinh doanh, bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là tránh khỏi sự lừa đảo của các trang mạng.
Bên cạnh các ý kiến tranh cãi này, thì nhiều người cho rằng cần phải có văn bản hướng dẫn chi tiết Điều này để cho người đọc luật và áp dụng luật hiểu rõ về vấn đề này và tránh được tâm lý hoang mang nếu có ý định khởi nghiệp.
Theo mình, ý kiến thứ 2 được giải thích có phần thuyết phục và hợp lý hơn bởi sự giải thích được phân tích rõ từ nguồn gốc của Điều luật, còn các bạn, các bạn có ý kiến gì về quy định này?