Trích điểm a khoản 2 Điều 26 Nghị định 176/2013/NĐ-CP:
"2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây:
a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật;
..."
Nếu đánh bạc được, thua bằng tiền thì đã rõ nhưng được, thua bằng hiện vật thì còn rất nhiều tranh cãi vì hiện nay chưa có văn bản nào giải thích hoặc định nghĩa rõ "thế nào là hiện vật". Nếu dẫn chiếu theo quy định tại Điều 248 Luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì "hiện vật" phải được xem là vật có giá trị. Tuy nhiên, để biết được giá trị thì phải thông qua giám định. Do đó nói nôm na những hiện vật nào có thể giám định được giá trị thì mới được coi là "hiện vật" trong quy định của Nghị định 176/2013/NĐ-CP và Luật hình sự 1999. Quay trở lại chủ đề của bài viết "Đánh bài uống nước, liệu có bị phạt?" thì phải xác định uống nước đây là như thế nào? Có thể nêu 02 ví dụ sau:
- Ví dụ 1: tại quán cà phê, nếu 02 người ngồi đánh bài cào và bên nào thua sẽ trả tiền nước cho bên thắng thì trường hợp này "hiện vật" có thể xác định được đó là ly nước của người thua và có thể "đo" được giá trị hiện vật thông qua giá của lý nước. Trường hợp này có thể bị xử phạt theo Nghị định 176 nếu giá trị ly nước uống dưới 2 triệu.
- Ví dụ 2: tại nhà, nếu 02 người ngồi đánh bài tiến lên và bên nào thua sẽ uống 01 ly nước nấu chín. Do ly nước nấu chín không thể "đo" được chính xác giá trị nên có thể cho rằng ly nước trong trường hợp này không phải là "hiện vật" mà Nghị định 176 đề cập nên không xử phạt hành chính được.
Tuy nhiên, cả 02 trường hợp trên trong thực tế rất khó xử phạt vì về nguyên tắc muốn xử phạt thì cơ quan nhà nước phải chứng minh được lỗi của người vi phạm. Nghĩa là người vi phạm phải là "đánh bạc" và "được, thua bằng hiện vật". Yếu tố "đánh bạc" ở đây có thể tạm chấp nhận, thì yếu tố còn lại là rất mong manh. Ngay cả trong trường hợp ví dụ 1 cho dù có xác định được giá trị của ly nước nhưng cũng không thể nói đó là "hiện vật" dùng để đánh bạc vì người đánh bạc có thể nói là trả giúp bạn ly nước và điều này là hợp lẽ tự nhiên, cơ quan xử phạt cũng không thể nào nói hành vi trả tiền ly nước là biểu hiện của "được, thua hiện vật". Thậm chí lúc bắt quả tang họ có khai là đánh bài trả tiền nước nhưng khi về suy nghĩ lại họ vẫn có quyền khai lại và khiếu nại người xử phạt và nếu không có bằng chứng xác thực khác thì cũng có làm gì họ.
Nói tóm lại, nếu là đánh bài uống nước hoặc được thua bằng hiện vật nhưng khó xác định được giá trị (VD được thua bằng chầu ăn, chầu nước hoặc hứa thực hiện một việc nào đó) thì rất khó có thể xử phạt hành chính, trừ trường hợp cơ quan xử phạt có đầy đủ chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm.
Trên đây chỉ là quan điểm cá nhân, có thể có điểm sai sót, mong mọi người "chỉ giáo" thêm.