Công ty không chuẩn bị đồ bảo hộ cho người lao động bị phạt thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #612273 03/06/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 534 lần
    SMod

    Công ty không chuẩn bị đồ bảo hộ cho người lao động bị phạt thế nào?

    Bảo hộ lao động là một nội dung bắt buộc trong an toàn vệ sinh lao động. Vậy, nếu công ty không chuẩn bị đồ bảo hộ cho người lao động sẽ bị phạt thế nào? Cụ thể qua bài viết sau.

    Công ty không chuẩn bị đồ bảo hộ cho người lao động bị phạt thế nào?

    Theo khoản 8 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

    Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không trang cấp hoặc trang cấp không đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc có trang cấp nhưng không đạt chất lượng theo quy định; không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật hoặc bồi dưỡng bằng hiện vật thấp hơn mức theo quy định; trả tiền thay cho bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại theo một trong các mức sau đây:

    - Từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

    - Từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

    - Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

    - Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

    - Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

    Đồng thời, tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền quy định trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    Như vậy, nếu công ty không chuẩn bị đồ bảo hộ cho người lao động sẽ bị xử phạt từ 6 đến 60 triệu đồng tùy theo số lượng người lao động. Nếu là cá nhân sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 3 đến 30 triệu đồng tùy theo số lượng người lao động.

    Người lao động đã được chuẩn bị đồ bảo hộ nhưng không mặc sẽ bị xử lý thế nào? 

    Theo khoản 1 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

    Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi sau đây:

    - Không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp;

    - Không tham gia cấp cứu và khắc phục sự cố, tai nạn lao động khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    Như vậy, nếu người lao động không mang trang bị bảo hộ đã được công ty cấp để làm việc thì có thể bị phạt tiền từ 500 đến 1 triệu đồng.

    Những công việc nào bắt buộc phải trang bị đồ bảo hộ lao động?

    Theo Điều 22 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như sau:

    - Nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được phân loại căn cứ vào đặc điểm, điều kiện lao động đặc trưng của mỗi nghề, công việc.

    - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sau khi có ý kiến của Bộ Y tế; quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động.

    - Người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật.

    Đồng thời, theo Điều 4 Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH quy định điều kiện được trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân như sau:

    Làm việc tiếp xúc với một trong những yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại dưới đây thì được trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân:

    - Tiếp xúc với yếu tố vật lý không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh.

    - Tiếp xúc với bụi và hóa chất độc hại.

    - Tiếp xúc với yếu tố sinh học độc hại:

    + Vi rút, vi khuẩn độc hại gây bệnh, côn trùng có hại;

    + Phân, nước thải, rác, cống rãnh;

    + Các yếu tố sinh học độc hại khác.

    - Làm việc với máy, thiết bị, công cụ lao động tiềm ẩn các mối nguy mất an toàn, vệ sinh lao động, làm việc ở vị trí mà tư thế lao động nguy hiểm dễ gây ra tai nạn lao động; làm việc trên cao; làm việc trong hầm lò, nơi thiếu dưỡng khí; làm việc trên biển, trên sông nước, trong hầm sâu, trong không gian hạn chế, trong rừng; làm việc trong núi đá, hang đá hoặc điều kiện lao động nguy hiểm, độc hại khác.

    Như vậy, nếu công việc thuộc nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đáp ứng các điều kiện được trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân thì sẽ phải trang bị đồ bảo hộ cho người lao động.

    Xem đầy đủ:

    Danh mục nghề, công việc nặng độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/1/danh-muc-nghe-nang-nhoc.doc

    Bổ sung Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định tại Thông tư 19/2023/TT-BLĐTBXH: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/1/danh-muc-nghe-nang-nhoc-bo-sung.docx

     
    573 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận