Thừa kế QSD đất trồng lúa - Ảnh minh họa
Nhiều trường hợp con cái đi làm ăn xa, không cư trú tại địa phương của cha mẹ thì có được hưởng thừa kế phần đất trồng lúa không, sau đây là nội dung làm rõ thắc mắc trên.
Về quyền thừa kế
Chế định thừa kế công nhận 2 hình thức thừa kế là thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc.
Đối với thừa kế theo di chúc, những người không bị tước quyền thừa kế và có tên trong di chúc sẽ được nhận tài sản thừa kế
Đối với thừa kế theo pháp luật, cần lưu ý:
Điểm a Khoản Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về các hàng thừa kế, trong đó:
“Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”
Những người ở cùng hàng thừa kế này sẽ được chia thừa bằng nhau, như vậy con cái sẽ được hưởng thừa kế nếu không thuộc các trường hợp không được hưởng thừa kế.
>>> Các trường hợp không được hưởng thừa kế theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015
Về quyền sử dụng đất nông nghiệp
Thứ nhất, người để lại thừa kế phải đáp ứng các điều kiện để thực hiện quyền thừa kế quyền sử dụng nhất.
Nội dung này được quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013:
“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.”
Điều 186 Luật này quy định đối tượng thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Điều 168 Luật này có quy định trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
*Lưu ý, Thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân không quá 50 năm. Khi hết thời hạn thuê đất, hộ gia đình, cá nhân nếu có nhu cầu thì được Nhà nước xem xét tiếp tục cho thuê đất. (Khoản 2 Điều 126 Luật đất đai 2013)
Thứ hai, việc chuyển đổi quyền sử dụng đất đối với người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Tại Khoản 3 Điều 191 Luật đất đai 2013 quy định:
“3. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.”
Theo đó, người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp chỉ không được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa, việc thừa kế hoàn toàn không bị cấm.
Như vậy, để có thể hưởng thừa kế phần đất trồng lúa của cha mẹ khi không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, người đó cần đảm bảo mình có quyền thừa kế, có các căn cứ xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không bị cấm nhận thừa kế quyền sử dụng đất trồng lúa.