Nhiều người thường tặng cho con cái nhà đất rồi dọn về ở chung, nhằm để có người chăm sóc lúc ốm đau, bệnh tật, lo chuyện hương khói. Tuy nhiên, nhiều trường hợp con cháu sau khi nhận được miếng đất, cái nhà lại bỏ bê việc chăm sóc bề trên. Thậm chí là tỏ rõ sự bất hiếu. Lúc này, cha mẹ có được đòi lại những thứ đã tặng cho, truất quyền thừa kế hay không? Dưới đây là một số ý kiến đóng góp của tác giả:
Con cái bất hiếu, cha mẹ có được đòi lại nhà đất? - Minh họa
1. Tặng cho tài sản như thế nào để đảm bảo được con cháu chăm sóc, không bị chiếm mất nơi ở
Trước hết, cần khẳng định, chăm sóc cho cha mẹ không phải căn cứ vào thỏa thuận hay ý thức tự nguyện của con cái, mà là trách nhiệm đã được luật định. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì con cái có nghĩa vụ:
Yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ. Đặc biệt là khi cha mẹ ốm đau, già yếu, khuyết tật, hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Nếu gia đình có nhiều con thì các phải cùng nhau chăm sóc, không được đùn đẩy.
Thêm vào đó, một khi cha mẹ đã chỉ đích danh một người con chăm sóc kề cận, đổi lại sẽ được nhận di sản là toàn bộ nhà cửa, đất đai nếu cha mẹ qua đời, thì trách nhiệm này lại càng minh bạch hơn nữa. Bởi lẽ lúc này, nó đã trở thành điều khoản ràng buộc trong quan hệ hợp đồng.
Cụ thể, Điều 462 Bộ luật dân sự 2015 quy định, bên tặng cho (cha mẹ) có thể yêu cầu con cháu thực hiện việc chăm nom, phụng dưỡng cả trước và sau khi tặng cho nhà đất. Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định, việc chuyển quyền bất động sản sẽ có hiệu lực kể từ khi đăng ký vào sổ địa chính.
Khoản 3 Điều 462 Bộ luật dân sự 2015 cũng nêu rõ, sau khi nhận được tài sản mà con cháu không làm tròn bổn phận thì cha mẹ có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại, chẳng hạn như khi con đã bán nhà đất, hoặc mang tài sản đi thế chấp và bị ngân hàng thu hồi để phát mãi.
Nhằm hạn chế tình huống bị “lật lọng”, bậc cha mẹ cần lưu ý những điều như sau:
Thứ nhất, việc tặng cho phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực và trong đó ghi nhận rõ ràng điều khoản về trách nhiệm chăm sóc, hiếu thảo của người được tặng cho. Đây là cơ sở vững chắc để cha mẹ đòi lại nhà nếu phát sinh tranh chấp do con không làm tròn nghĩa vụ.
Thứ hai, nếu vẫn muốn cho con cái nhà đất, nhưng phải chờ đến sau khi mình mất, cha mẹ có thể để lại một bản di chúc được công chứng, chứng thực. Tại đây ghi nhận nội dung vì người con đó chăm sóc, phụng dưỡng nên mới được hưởng phần di sản là nhà đất.
Theo Điều 640 BLDS 2015, di chúc này có thể bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ vào bất cứ lúc nào nếu phần bổ sung mâu thuẫn với phần ban đầu thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực. Nếu di chúc bị thay thế thì di chúc trước kia bị hủy bỏ.
Đồng thời, tiến hành họp gia đình, với sự tham gia của người được tặng cho và tất cả các đồng thừa kế khác (như anh em) và lập bản thỏa thuận có chữ ký, điểm chỉ của mọi thành viên. Trong đó ghi nhận nội dung mọi người đều đồng thuận với ý muốn của người để lại di sản, cam đoan không tranh chấp về thừa kế, nếu người được tặng cho đã hoàn tất nghĩa vụ chăm lo cho cha mẹ đến lúc qua đời.
Bản thỏa thuận này nên có sự làm chứng của ít nhất 02 người không có quyền lợi gì đối với khối tài sản là nhà và quyền sử dụng đất.
2. Về vấn đề tước quyền thừa kế
Điều 624 BLDS 2015 nêu rõ cá nhân có quyền lập di chúc để lại tài sản cho bất cứ người nào sau khi mất, do đó, không bắt buộc phải viết di chúc chia cho con một phần tài sản. Thêm nữa, theo khoản 1 Điều 644 Bộ luật này, con đã thành niên và có khả năng lao động không phải là đối tượng được hưởng hai phần ba suất thừa kế dù không được di chúc đề cập.
Mặt khác, khoản 1 Điều 621 BLDS 2015 cũng nêu rõ, trừ trường hợp cha mẹ biết nhưng vẫn bỏ qua, thì trong hai trường hợp dưới đây con cái sẽ bị mất quyền thừa kế do không phụng dưỡng cha mẹ:
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.
Theo quy định tại Điều 185 BLHS 2015 thì người nào đối xử tồi tệ, bạo lực xâm phạm thân thể, khiến cha mẹ, người có công nuôi dưỡng thường xuyên bị đau đớn về thể xác và tinh thần thì có thể bị phạt đến 05 năm tù.
Trên đây là những quan điểm của cá nhân tác giả, nếu mọi người có ý kiến khác, hoặc cảm thấy vướng mắc chưa được giải quyết thỏa đáng, vui lòng bình luận bên dưới để cùng nhau phân tích, trao đổi.